Mỹ - Iran: Dám nói, không dễ dám làm

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở thời buổi dịch dã như hiện nay, tất cả mọi chuyện thời sự chính trị thế giới lâu nay bị dịch bệnh làm lu mờ. Chỉ có sự leo thang đối địch vừa qua giữa Mỹ và Iran là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi.

Nguyên do của sự bất thường này là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã ra lệnh cho tàu chiến của Mỹ ở vịnh Ba Tư phá hủy xuồng vũ trang của Iran nếu bị quấy nhiễu và phát biểu của tư lệnh lực lượng Cận vệ cách mạng Hồi giáo Iran đáp trả là cũng đã ra lệnh cho quân đội Iran sẵn sàng xả súng vào tàu chiến Mỹ nếu lợi ích của Iran ở vịnh Ba Tư bị xâm hại. Mấy tháng trước đây, Mỹ đã sát hại tướng Qassem Soleimani của Iran khi người này đến Iraq và Iran trả đũa bằng không kích vào một số căn cứ quân sự Mỹ sử dụng ở Iraq.
 
Cứ theo những phát ngôn này thì cả hai bên hiện đều trong tình trạng đạn đã lên nòng và chỉ còn chờ thời khắc súng đạn khai hỏa, chỉ cần một bên nổ súng thì bên kia sẽ lập tức đáp trả bằng nổ súng. Cũng cần phải nói thêm ở đây là cho dù xưa nay hai bên thường xuyên ăn miếng trả miếng nhau với cùng mức độ dọa nhau, răn đe và cảnh báo lẫn nhau, luôn để ngỏ mọi biện pháp đối địch nhau, nhưng chưa khi nào công khai phát lệnh cho quân đội sẵn sàng có thể nổ súng vào nhau như hiện tại. Nhìn vào biểu hiện bề ngoài thì căng thẳng và đối địch giữa hai nước này đã leo thang tới đỉnh điểm mới.
Cả hai bên vừa rồi đều không mấy ngại ngùng khi có những phát ngôn như trên. Nhưng dám nói là một chuyện, trên thực tiễn có dám làm như thế hay không lại là chuyện khác và dám nói thì còn dễ chứ dám làm thì lại không dễ bởi trong chuyện này dám làm đi liền với liều lĩnh, với phiêu lưu mạo hiểm chẳng khác gì cá cược với rủi ro.
Có thể thấy được ngay điều này ở chỗ chính ông Trump mạnh mồm bạo miệng thế thôi chứ ngay sau đấy lại tương đối hoá ngay bằng quả quyết là không can dự vào quyết định cụ thể của giới quân sự trong trường hợp cụ thể xảy ra và cả tổng thống Iran Hassan Rohani cũng tuyên bố là Iran không có chủ ý gây chiến tranh với Mỹ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 đến nay luôn vô cùng nhạy cảm về đối nội ở cả hai nước, lại còn luôn mang tính địa chiến lược ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Chính vì thế, cả hai bên trong xử lý chuyện quan hệ song phương luôn bị giằng xé giữa lý trí và tình cảm mà thường thì tình cảm lấn lướt nhưng truiwcs những quyết định mang tính định mệnh thì lý trí lại luôn thắng thế.
Lần này rồi cũng sẽ như vậy. Đương nhiên, một khi căng thẳng và đối địch leo thang thì nguy cơ xảy ra đụng độ vũ trang trực tiếp với nhau ở vùng Vịnh cũng sẽ gia tăng. Nhưng rồi lý trí lại sẽ ngăn cản hai bên chiến tranh với nhau hay đụng độ vũ trang với nhau. Nói theo cách khác, hai bên dám tuyên cáo thế thôi chứ không dám nổ súng vào nhau ở vịnh Ba Tư.
Nguyên do ở chỗ nổ súng vào nhau ở vịnh Ba Tư sẽ kích hoạt phản ứng dây chuyền về giao tranh quân sự trực tiếp với nhau ở khắp cả vùng Vịnh và để xảy ra chiến tranh với nhau thì cả hai bên đều chỉ cùng thua về quân sự lẫn chính trị hoặc ít nhất thì cũng đều bị sứt đầu mẻ trán như nhau trong khi có khối kẻ bên ngoài lại yên bề thủ thế tọa sơn quan hổ đấu để rồi được như ngư ông đắc lợi.
Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là Mỹ tấn công quân sự nhằm vào những lực lượng hay nhóm phái vũ trang bị coi là thân Iran ở bên ngoài Iran và Iran hậu thuẫn những lực lượng hay nhóm phái kia tiếp tục gây khó dễ cho Mỹ và đồng minh của Mỹ ở khắp khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.
Một nguyên do khác nữa khiến hai bên không dám xô đẩy nhau vào đụng độ quân sự trực tiếp ở vịnh Ba Tư là cả hai hiện đều phải dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho việc đối phó dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, phải tốn rất nhiều vông của trong thời gian không phải ngắn để khắc phục hậu quả và hệ lụy rất tai hại của dịch bệnh nên càng phải tránh hao người tốn của vào cuộc xung khắc dễ thua khó thắng.
Ngoài ra, càng khó khăn và phức tạp trong nội bộ thì leo thang mức độ bất hoà nhưng không gây ra chiến tranh hay đụng độ quân sự trực tiếp với nhau lại đều rất đắc dụng cho chính giới của cả hai bên.