Mỹ Latinh - Tâm chấn của “Hồ sơ Paradise”

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Hồ sơ Paradise tiếp tục cho thấy hàng loạt các chính trị gia, tổ chức xã hội và DN Mỹ La tinh đã sở hữu nhiều công ty và tài khoản ngân hàng ở các “Thiên đường thuế”.

Một năm sau vụ "Hồ sơ Panama" chấn động thế giới, truyền thông nhiều nước ngày 5/11 đồng loạt đưa tin về một vụ rò rỉ hồ sơ tài chính mang tên "Hồ sơ Paradise" trong đó tiết lộ hơn 13,4 triệu tài liệu phanh phui thông tin về những tài khoản tiền gửi của những người giàu có nhất thế giới tại nước ngoài - nơi mà hầu hết chính phủ các nước không thể can thiệp.
 
Các chính khách và DN hàng đầu khu vực Mỹ La tinh với những “tiền sử” bê bối tham nhũng quy mô hàng đầu thế giới đã không nằm ngoài “Hồ sơ Panama thứ hai” này. Trong đó nổi bật là Odebrecht, tập đoàn xây dựng lớn hàng đầu Mỹ Latinh bị cáo buộc liên quan tới 17 công ty có trụ sở tại các “thiên đường trốn thuế”.  Theo đó, lãnh đạo Odebrecht đã thỏa thuận hợp tác với cơ quan tư pháp Brazil trong quá trình điều tra vụ bê bối tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, để dàn xếp cho các công ty được đặt tại “thiên đường trốn thuế” làm bình phong rửa tiền, che đậy các khoản hối lộ cho chính trị gia.
Tại Argentina, một trong những chính trị gia nổi bật được nhắc đến với nghi ngờ trốn thuế là Bộ trưởng Tài chính Luis Caputo. Trước khi trở thành Bộ trưởng, ông Caputo giữ vai trò quản lý Noctua Partners Llc, một quỹ đầu tư có trụ sở tại Miami, Mỹ, nhưng chủ yếu thực hiện các hoạt động đầu tư mang tính rủi ro cao tại các hòn đảo Delaware và Cayman, 2 trong số những nơi được coi là “Thiên đường thuế”. Đồng thời, vị Bộ trưởng này cũng từng là quản lý của Quỹ đầu tư toàn cầu Alto có trụ sở trên đảo Cayman từ 2009 - 2015, thời điểm ông chính thức tham gia vào chính trường.
Danh sách nhiều doanh nhân và tập đoàn Mexico cũng xuất hiện trong “Hồ sơ Paradise”, với cái tên gây chấn động nhất là cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động Mexico quá cố Jaoquin Gamboa Pascoe, người được cho đã đầu tư gần 19 triệu USD tại các hòn đảo Cayman và Bahamas vào năm 1982. Một trong những người giàu nhất thế giới, tỷ phú Carlos Slim cũng bị cáo buộc sở hữu một công ty tại Bermuda khi bắt đầu các hoạt động đầu tư nước ngoài vào năm 2000.
Trong khi đó, các tài liệu trong Hồ sơ Paradise cũng cho thấy Tổng thống Colombia Juan Manual Santos, người từng được trao giải Nobel Hoà bình, cũng có liên hệ với 2 công ty tại Barbados: Nova Holding và Global Tuition & Education Insurance. Tại cuộc họp báo vào chủ nhật tuần trước, ông Santos lên tiếng khẳng định chưa từng nhận “một đồng Peso nào” từ hai công ty trên khi còn giữ chức giám đốc trong giai đoạn 1998 - 2000.
Danh sách trên tiếp tục nối dài với thông tin về các tập đoàn và DN uy tín tại El Salvador, Peru và Venezuela đã thực hiện những khoản đầu tư đáng ngờ lên đến hàng chục triệu USD tại các quần đảo Bahamas, British Virgin và Cayman. Các chuyên gia nhận định, nguồn tiền lớn chảy vào khu vực này đang làm tăng tỉ lệ tham những, bạo lực và tội phạm, qua đó cho thấy sự cần thiết phải có một giải pháp toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần