Mỹ nâng cảnh báo đi lại mức nghiêm trọng nhất, khuyến cáo người dân tránh du lịch Trung Quốc

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30/1 đưa ra khuyến cáo cấp độ 4, kêu gọi công dân không đến Trung Quốc vì sự bùng phát của dịch bệnh do chủng virus corona mới gây ra.

"Những ai đang ở Trung Quốc nên cân nhắc việc đi lại bằng các phương tiện thương mại", Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong khuyến cáo cấp 4, mức cảnh báo đi lại nghiêm trọng nhất.
Số ca bệnh được xác nhận tại Trung Quốc đã tăng lên đến 9.692, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết sáng 31/1, tăng gần 2.000 ca so với con số 7.700 chỉ một ngày trước đó. 
 Ngày 30/1, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của virus corona (2019-nCoV). 
Dịch bệnh viêm phổi do virus corona đã lan ra tất cả 31 tỉnh, thành khắp cả nước Trung Quốc và số ca tử vong vì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tại nước này hiện là 213.
Vài giờ trước khi khuyến cáo được đưa ra, các quan chức y tế Mỹ đã báo cáo trường hợp lây truyền virus từ người sang người đầu tiên: một phụ nữ ở Chicago trở về từ Trung Quốc, nhiễm bệnh và sau đó lây cho chồng. Ấn Độ đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên hôm 30/1, trong khi Nga đóng cửa biên giới đất liền với Trung Quốc cho khách du lịch.
Khuyến cáo đi lại mới được ban hành vài giờ sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Trước đó, tối 30/1 WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của virus corona (2019-nCoV) sau khi Ủy ban khẩn cấp WHO nhóm họp lần thứ hai tại Geneva, Thụy Sĩ, theo các Quy định y tế quốc tế (2005).
Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona  (2019-nCoV) gây ra. Đây là loại virus gây bệnh viêm phổi khởi phát từ Trung Quốc đã làm 170 người tử vong và trên 7.000 người nhiễm ở 17 quốc gia trên thế giới.
Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần