"Mỹ sẽ không còn là người đặt cuộc chơi nếu quay lại CPTPP"

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về nguyên tắc, CPTPP mở cho các thành viên khác tham gia nếu đáp ứng các điều kiện nhưng trong ngắn hạn, khả năng Mỹ quay lại khó xảy ra.

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, việc vừa qua, mặc dù chưa chính thức nhưng Anh cũng thể hiện xem xét khả năng gia nhập CPTPP cho thấy, mặc dù không còn Mỹ, CPTPP vẫn có sức hút và ảnh hưởng nhất định.
Đối với Mỹ, tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố, nếu đạt được thỏa thuận tốt hơn, Washington cũng sẽ xem xét khả năng quay lại. Điều này cùng với những tuyên bố của Tổng thống Trump tại APEC (Đà Nẵng) cho thấy, Mỹ muốn bày tỏ chính kiến rằng, nước này không chống tự do hóa thương mại mặc dù thực chất những hành động của họ rõ ràng mang tính bảo hộ, ông Võ Trí Thành cho hay.
 
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, về nguyên tắc, CPTPP mang tinh thần của APEC, nghĩa là theo chủ nghĩa khu vực mở nên nếu đáp ứng tiêu chuẩn thì hiệp định này mở cho các thành viên khác tham gia. Trong giới học giả và DN Mỹ vẫn đang có niềm tin, trong tương lai Mỹ có thể quay trở lại, không thể trong 1-2 năm tới nhưng có thể trong dài hạn vì đây là xu hướng. Trong thế giới hiện nay, muốn thành công không thể tách rời dịch chuyển, giao dịch các nguồn lực.
Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành thừa nhận rằng, trước mắt, khả năng này khó xảy ra. Bởi nếu Mỹ quay lại, chúng ta phải xem xét nhiều kịch bản: Mỹ quay lại quay lại theo các điều khoản của CPTPP hay TPP hay các nước thành viên phải đàm phán lại?
Nhưng dù quay lại thế nào thì có một điểm không hay cho Mỹ. Đó là Mỹ sẽ không còn là người làm chủ, đặt cuộc chơi như quá trình đàm phán về TPP, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khằng định. Trước đây, TPP do Mỹ khởi xướng và đặt ra luật chơi nhưng hiện tại, khi 11 nước còn lại đã hoàn tất đàm phán, thế của nước Mỹ không còn như trước nữa.
Trong khi đó, ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản về CPTPP cho biết, một trong những lý do chính để duy trì khác biệt giữa TPP-12 và TPP-11 ở mức tối thiểu là nhằm thu hút Mỹ quay lại.
“Nói một cách chính thức thì 22 điều khoản đã bị hoãn, nhưng CPTPP là thỏa thuận tiến bộ. Đó là lý do hiệp định này có thể kết nạp thành viên mới, và thay đổi trong thỏa thuận là điều có thể xảy ra”, GS Kenichi Kawasaki, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách sau đại học ở Tokyo, cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Parker nói rằng triển vọng Mỹ quay lại trong vài năm tới “rất khó xảy ra” và ngay cả khi Washington sẵn sàng tham gia cũng không có gì bảo đảm rằng các thành viên khác sẽ đồng ý áp dụng trở lại những điều khoản treo. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần