Mỹ sẽ làm trung gian hòa giải xung đột tại Nagorno-Karabakh

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các bên có liên quan đến cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh cho biết Washington sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực này.

Armenia và Azerbaijan hôm 20/10 cho biết, các ngoại trưởng của họ sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Washington vào thứ Sáu tuần này, nhằm nỗ lực chấm dứt cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất ở khu vực ly khai Nagorno - Karabakh kể từ những năm 1990.
Mỹ sẽ làm trung gian hòa giải xung đột tại Nagorno-Karabakh.
Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận ngay lập tức. Tuy nhiên, các cuộc họp đã lên kế hoạch cho thấy rằng, ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, phía Washington đang đẩy mạnh tham gia vào các động thái nhằm xoa dịu cuộc xung đột nghiêm trọng đã khiến hàng trăm người thiệt mạng kể từ cuối tháng 9 vừa qua.
Hiện Nga đã tăng cường các nỗ lực hòa giải tại Nagorno-Karabakh, vùng lãnh thổ của Azerbaijan được cộng đồng quốc tế thừa nhận nhưng có đa số dân số là người gốc Armenia. Tuy nhiên, hai lệnh ngừng bắn đạt được do Nga làm trung gian trong tháng này vẫn không ngăn được các đợt giao tranh.
Hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ cho biết đã có giao tranh dữ dội trong và xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh hôm 20/10, trong đó 43 binh sĩ đã thiệt mạng.
Hiện vẫn chưa rõ liệu ngoại trưởng của các bên có liên quan đến cuộc xung đột Nagorno-Karabakh sẽ gặp riêng Ngoại trưorng Pompeo hay cùng lúc.
Azerbaijan cho biết Ngoại trưởng Jeyhun Bayramov cũng sẽ gặp các đặc phái viên của cơ quan giám sát quyền và an ninh của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) được gọi là Minsk Group, những người mà Nga, Pháp và Mỹ đồng chủ trì trong nhiều năm đã dẫn đầu hòa giải trong cuộc xung đột.
Armenia đã tiết lộ một số chi tiết về kế hoạch của Ngoại trưởng Zohrab Mnatsakanyan ở Washington vào ngày 23/10 tới.
Trước đó, hôm 19/10, lãnh đạo cả hai nước Armenia và Azerbaijan đã tuyên bố sẵn sàng đến Moscow để cùng ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời nhấn mạnh vai trò trung gian quan trọng của Nga trong cuộc xung đột hiện nay.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận hòa bình với phía Azerbaijan, tuy nhiên, một vấn đề mang tính nguyên tắc là cần xác định tình trạng của vùng lãnh thổ này.
Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố cần phải kết thúc đối đầu và tìm kiếm cách giải quyết cho cuộc xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một phần của Nhóm Minsk nhưng không tham gia hòa giải, và mối quan hệ của nước này với các đồng minh NATO ngày càng căng thẳng do cáo buộc liên quan đến xung đột Nagorno-Karabakh.
Ankara đã bác bỏ cáo buộc rằng họ đã cử lính đánh thuê từ các cuộc xung đột ở Syria và Libya đến chiến đấu ở Nagorno-Karabakh.
Căng thẳng tái bùng phát tại Nagorny-Karabakh từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Các quan chức ở Nagorno-Karabakh báo cáo các trận địa pháo mới hôm thứ Ba và cho biết giao tranh diễn ra dữ dội ở các khu vực phía nam của khu vực xung đột.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng báo cáo có giao tranh ở một số khu vực, bao gồm cả lãnh thổ tranh chấp gần đường phân chia hai bên. Họ nói rằng các lực lượng Armenia đang pháo kích vào các vùng Terter và Aghdam của Azeri.
Giới chức tại Nagorno-Karabakh cho biết, 772 quân nhân và 37 dân thường của họ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh kể từ ngày 27/9.
Azerbaijan nói rằng 61 thường dân nước này đã thiệt mạng và 291 người bị thương, nhưng không tiết lộ thương vong của quân đội nước này trong cuộc đổ máu tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến 1991-94, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.