Mỹ - Thổ sẽ hàn gắn quan hệ bất chấp nhiều “sóng gió”?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp những căng thẳng hiện tại, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ Serdar Kilic hôm 30/10 Ankara và Washington cho rằng hai bên còn nhiều tiềm năng để duy trì quan hệ đối tác mạnh mẽ.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tuần trước thông báo dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ, Hạ viện Mỹ hôm 29/10 đã phê chuẩn nghị quyết kêu gọi dự luật trừng phạt nặng tay hơn chống Ankara liên quan đến chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria và thương vụ mua bán tên lửa phòng không S-400 của Moscow.
Hạ viện kêu gọi ông Trump trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 29/10, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ với tỷ lệ 403 phiếu thuận và 11 phiếu chống. Trong khi đó, dự luật có tên "Ngăn chặn xung đột do chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ" đã nhận được sự ủng hộ lớn từ các thành viên Đảng Cộng hòa, với 176 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, chỉ có 15 người phản đối.
Điều này cho thấy sự đồng thuận của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa nhằm gia tăng sức ép lên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan để buộc nước này chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd tại Syria, nòng cốt của lực lượng dân chủ Syria (SDF) - một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
"Mỹ đang muốn các quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền, bao gồm tấn công đồng minh người Kurd của chúng tôi", tờ USA Today trích phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen lên tiếng kêu gọi Thượng viện Mỹ sớm phê chuẩn dự luật này.
Tuy nhiên, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell trước đó đã cảnh báo Quốc hội "cần xem xét cực kỳ cẩn thận" trước khi thông qua dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đồng minh NATO.
Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 30/10 chỉ trích động thái mới nhất của Hạ viện Mỹ làm căng thẳng mối quan hệ giữa Ankara và Washington, không tương thích với cơ sở hợp tác giữa hai quốc gia trong khuôn khổ NATO và chống lại các thỏa thuận ngừng bắn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại đông bắc Syria đạt được hôm 17/10”. Bộ trưởng Cavusoglu cũng kêu gọi Mỹ thực hiện các biện pháp cần thiết "để ngăn chặn mối quan hệ xấu đi" giữa AnkaraWashington.
Ankara - Washington tiếp tục là đồng minh thân thiết?
Bất chấp những căng thẳng hiện tại trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của Ankara ở miền Bắc Syria, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ Serdar Kilic hôm 30/10 tuyên bố hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng để duy trì mối quan hệ đối tác mạnh mẽ.
Theo kế hoạch, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 13/11 tới, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ giải quyết những khác biệt sâu sắc về cuộc chiến Syria vốn đã gây căng thẳng quan hệ song phương.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 13/11 tới.
Tổng thống Erdogan cam kết sẽ lật “một trang mới" trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua cuộc thảo luận sắp tới với Tổng thống Trump, người đang đối mặt với làn sóng chỉ trích rằng quyết định rút quân khỏi Syria đã “bật đèn xanh” để Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Đông Bắc Syria hôm 9/10.
"Đối tác của tôi là ông Trump. Chúng tôi đã có các cuộc điện đàm trong thời gian gần đây và chúng tôi cũng sẽ tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp nhằm thiết lập một trang mới, một cột mốc mới trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ”, Tổng thống Erdogan nói với các phóng viên ở Ankara.
Các chuyên gia phân tích Thổ Nhĩ Kỳ nhận định rằng, trong bối cảnh quan hệ Washington - Ankara đang đối mặt những “sóng gió” do sự khác biệt quan điểm liên quan đến vấn đề Syria, lãnh đạo hai nước cần phải hành động để hàn gắn mối quan hệ đồng minh truyền thống nhằm đối mặt với những thách thức trong khu vực.
“Không có tình bạn hay sự thù địch trong quan hệ quốc tế, nó chỉ bao gồm những lợi ích quan trọng", giáo sư về quan hệ quốc tế Mustafa Nail Alkan tại Đại học Haci Bayram Veli có trụ sở tại Ankara nhận xét.
Chuyên gia Alkan lưu ý thêm: "Mỹ sẽ không thể và không dễ dàng từ bỏ mối quan hệ đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ - một cường quốc trong khu vực và đồng minh của Mỹ trong NATO”.
Cũng có quan điểm tương tự, học giả Enea Gjoza từ Quỹ Ưu tiên Quốc phòng của Mỹ cho rằng chính quyền Tổng thống Trump không muốn áp đặt các lệnh trừng phạt chống Thổ Nhĩ Kỳ, vì chúng sẽ càng đẩy Ankara rời xa Washington thay vì hối thúc chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thay đổi hành động tại Syria.
"Nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt và đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào khủng hoảng, chủ nghĩa dân tộc và tinh thần chống Mỹ sẽ càng khiến Ankara đối đầu và không nhượng bộ Washington", Gjoza nhận xét.
Chuyên gia Alkan cho rằng việc đặc nhiệm Mỹ vừa tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi ở miền bắc Syria, một thắng lợi mà ông Trump đã gửi lời cảm ơn một số quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ có tác động tích cực đến quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai.
Nói về tuyên bố dừng “vĩnh viên” thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Đông Bắc Syria của Ankara, chuyên gia Alkan dự đoán rằng quá trình khôi phục quan hệ song phương sẽ diễn ra ngay sau cuộc gặp Trump - Erdogan tại Washington, và nói rằng điều này sẽ có lợi cho cả hai nước.
Trong khi đó nhà báo Tulin Daloglu - một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng trong thời gian sắp tới, Washington vẫn rất cần sự hỗ trợ của Ankara để thực hiện thành công các mục tiêu trong khu vực.
"Mỹ sẽ không thể ngăn chặn hoặc áp đặt thành công các biện pháp trừng phạt đối với Iran nếu không có sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và họ không muốn chứng kiến Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gắn bó hơn với Nga", bà Daloglu nhấn mạnh. Theo chuyên gia này, Mỹ cần phải làm tất cả những gì cần thiết để giữ mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ - một đối tác quan trọng trong NATO.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần