Mỹ tính chặn công dân nhiễm Covid-19 về nước, Ấn Độ lập kỷ lục về số ca mắc mới

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ đang cân nhắc việc ngăn công dân trở về nếu nghi nhiễm Covid-19, trong khi đó Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao nhất thế giới.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 11/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là 20.219.517 ca, trong đó có 737.495 người thiệt mạng.
Số ca mắc trên toàn cầu đã vượt qua mốc 20 triệu người sau 19 ngày từ mức 15 triệu người ngày 22/7 và tăng từ 10 triệu ca lên 15 triệu ca sau 24 ngày. So sánh với thời điểm đại dịch mới bùng phát, thế giới đã ghi nhận 100.000 ca (ngày 6/3) sau 3 tháng 19 ngày và 1 triệu ca (ngày 3/4) sau 26 ngày.
Mỹ đang tính thực hiện biện pháp ngăn công dân nhiễm Covid-19 về nước.
Mỹ cân nhắc ngăn công dân trở về nếu nghi nhiễm Covid-19
Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét áp đặt biện pháp ngăn chặn các công dân Mỹ trở về nước nếu họ có dấu hiệu nghi nhiễm hoặc tiếp xúc gần người mắc Covid-19.
Tuy nhiên, Reuters trích dẫn lời quan chức này nói rằng,một dự thảo quy định chưa hoàn thiện và có thể thay đổi sẽ cho phép chính phủ ủy quyền ngăn chặn những cá nhân có đủ lý do để bị nghi ngờ là đã nhiễm Covid-19 hoặc bệnh khác vào Mỹ.
Việc hạn chế nhập cảnh này được cho là giúp chính quyền có thể ngăn chặn “hợp lý” người dân mang theo virus SARS-CoV-2 hoặc các bệnh dịch khác vào trong nước.
Báo New York Times, tờ đầu tiên đưa tin về dự thảo này, hôm 10/8 cho biết quyết định cuối cùng sẽ do Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) công bố.
“CDC tin rằng mọi hành vi ngăn trở công dân Mỹ hoặc thường trú nhân trở về từ nước ngoài chỉ được tiến hành trong những trường hợp cực kỳ hiếm hoi, đòi hỏi sự cân nhắc về lợi ích y tế cộng đồng, và trong một thời gian hạn chế”, tờ York Times trích dự thảo cho biết.
Chính quyền Tổng thống Trump đã áp dụng hàng loạt biện pháp hạn chế nhập cảnh để ngăn chặn dịch Covid-19 từ nước ngoài vào, bao gồm việc dừng những chương trình nhập cư hợp pháp, và chỉ đạo các đơn vị hải quan trục xuất ngay người di cư bị bắt ở biên giới mà không cần tuân theo quy trình thông thường.
Hồi tháng 5, Nhà Trắng lo ngại những công dân song tịch có thể đổ dồn về Mỹ nếu dịch bệnh bùng phát ở Mexico, từ đó tạo ra gánh nặng với hạ tầng y tế ở Mỹ.
Dự thảo được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến những người mang quốc tịch kép Mỹ - Mexico vốn thường xuyên đi lại ở biên giới hai nước.
Hiện Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới với tổng cộng 5.241.895 triệu người nhiễm và 166.067 ca tử vong tính đến sáng ngày 11/8.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh tại Chicago Charles Evans khuyến cáo Chính phủ Mỹ cần triển khai thêm một gói cứu trợ để đảm bảo người lao động có thể ở nhà an toàn.
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Ấn Độ.
Ấn Độ có số ca mắc mới cao nhất thế giới
Ngày 10/8, Ấn Độ thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận 53.016 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, mức cao nhất thế giới trong ngày, và 1.007 ca tử vong. 
Theo thống kê, tổng số ca nhiễm và tử vong của Ấn Độ hiện là 2.267.153 ca và 45.353 trường hợp. Đáng chú ý trong số bệnh nhân nhiễm mới có cả cựu Thủ tướng Pranab Mukherjee. 
Trước đó, các điểm nóng Covid-19 tại Ấn Độ tập trung ở New Delhi và Mumbai, nơi có những khu ổ chuột lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn, nơi 70% người Ấn Độ sinh sống, cũng trở thành những vùng dịch mới. Hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng ở các khu vực đó chưa đảm bảo chất lượng hoặc chưa được thiết lập.
Giới chuyên gia cho rằng số liệu thực về ca nhiễm và người chết ở quốc gia 1,3 tỷ dân chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều vì khó có thể ghi nhận đầy đủ, chính xác./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần