Mỹ treo cờ rủ tưởng nhớ nạn nhân Covid-19, Brazil sắp vượt Nga về số ca nhiễm

Nguyễn Phương (Theo Aljazeera)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Trump lệnh treo cờ rủ trong 3 ngày để tưởng nhớ những người Mỹ đã chết vì Covid-19, trong khi Brazil ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm, sắp trở thành vùng dịch lớn thứ 2 thế giới.

Thế giới đã ghi nhận tới hơn 5,1 triệu ca mắc Covid-19, hơn 333.000 ca tử vong do bệnh này. Châu Âu, Bắc Mỹ, và Nam Mỹ đang là các điểm nóng toàn cầu.
Trang thống kê toàn cầu Worldometer cập nhật tình hình Covid-19 vào lúc 5h37 ngày 22/5/2020 (giờ Việt Nam) như sau: Thế giới có 5.174.548 người mắc và 333.188 ca tử vong do bệnh này.
Tổng số ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 ở Mỹ lần lượt là 1.618.822 và 96.226, sau khi ghi nhận thêm 29.450 ca nhiễm và 1.324 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất toàn cầu, đứng đầu thế giới về cả số ca nhiễm và chết vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trên đầu người của nước này thấp hơn một số quốc gia như Bỉ, Tây Ban Nha, Anh, Itaiay hay Thụy Điển.
 Tổng thống Donald Trump ra lệnh treo cờ rủ trong 3 ngày để tưởng nhớ những người Mỹ đã chết vì Covid-19. 
Tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa nhưng với những biện pháp không đồng đều. Một số bang như Georgia và Texas gỡ nhiều hạn chế trong khi các bang khác có cách tiếp cận thận trọng hơn. Baltimore cấm tụ tập hơn 10 người và các cửa hàng bán lẻ vẫn đóng cửa.
Tổng thống Donald Trump hôm 21/5 lệnh treo cờ rủ trong 3 ngày để tưởng nhớ những người Mỹ đã chết vì Covid-19 trong bối cảnh ca tử vong sắp tăng lên 100.000.
"Tôi sẽ cho treo cờ rủ ở tất cả tòa nhà liên bang và di tích quốc gia trong ba ngày tới để tưởng nhớ những người Mỹ đã chết vì Covid-19. Ngày 25/5, cờ rủ sẽ được treo để tưởng nhớ quân nhân của chúng ta, những người đã hy sinh tới cùng cho đất nước", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng Twitter hôm 21/5.
Ngày 25/5 đánh dấu kỳ nghỉ Ngày Tưởng niệm Mỹ, dịp tưởng nhớ những người đã thiệt mạng khi phục vụ trong quân đội.
Nga ghi nhận thêm 8.849 ca nhiễm dịch bệnh Covid-19 mới, tăng trở lại so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 317.554, trong đó 3.099 người chết.
Nga đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để ngăn virus SARS-CoV-2, nhưng khuyến cáo người dân đeo găng tay và khẩu trang khi ra khỏi nhà, tránh tụ tập đông người ở nơi công cộng. Lực lượng chức năng Nga triển khai nhiều biện pháp để phát hiện người vi phạm quy định cách biệt cộng đồng để giải tán hoặc xử lý họ.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga Melita Vujnovic nhận định tình hình Covid-19 tại Nga đã bước vào giai đoạn ổn định, tuy nhiên đề nghị nước này nỗ lực hơn để giảm ca nhiễm mới.
Trong ngày 21/5, Tây Ban Nha báo cáo thêm 593 ca nhiễm bệnh Covid và 52 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 280.117 và 27.940. Chính phủ ra nghị định yêu cầu người từ 6 tuổi trở lên đeo khẩu trang ở những nơi công cộng không thể thực hiện giãn cách xã hội. Tình trạng khẩn cấp ở Tây Ban Nha sẽ hết hạn vào ngày 23/5, nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez muốn Quốc hội chấp nhận gia hạn thêm hai tuần.
Nhiều cơ sở kinh doanh tại Tây Ban Nha đã nối lại hoạt động. Quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực được mở cửa trở lại. Ở những nơi áp đặt hạn chế khắt khe nhất như Madrid và Barcelona, cửa hàng có thể tiếp nhận khách hàng mà không cần hẹn trước và bảo tàng được mở cửa trở lại dù giới hạn lượng khách. Các cửa hàng rộng hơn 400 m2 được phép mở lại trên cả nước, nhưng cũng hạn chế lượng khách.
Anh ghi nhận 250.908 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 21/5, trong đó 36.042 người chết, tăng 338 ca. Thủ tướng Boris Johnson cho biết chính phủ sẽ tuyển thêm 25.000 người truy vết tiếp xúc vào đầu tháng tới, có khả năng xử lý 10.000 trường hợp mới mỗi ngày, số xét nghiệm thực hiện trong một ngày sẽ đạt 200.000.
Italia báo cáo thêm 642 ca nhiễm và 156 ca tử vong, tiếp tục duy trì chiều hướng giảm, nâng tổng số lên lần lượt 228.006 và 32.486.
Chính phủ dự kiến cho phép tự do đi lại lại từ ngày 3/6, đánh dấu bước nới lỏng hạn chế lớn sau khi Italia là quốc gia châu Âu đầu tiên thực hiện phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3. Tất cả các sân bay có thể mở cửa trở lại từ ngày này. Italia sẽ mở biên với các nước Liên minh châu Âu (EU) và gỡ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh.
Pháp báo cáo 181.826 ca nhiễm và 28.215 ca tử vong, tăng lần lượt 251 và 83 trường hợp, thấp hơn nhiều so với một ngày trước đó. Pháp đã nới lỏng phong tỏa từ ngày 11/5. Số ca nhiễm mới không tăng đáng kể so với tuần cuối cùng trước khi nới phong tỏa. Giới chức y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến thăm nhà nhau và khử trùng các bề mặt như tay nắm cửa.
Đức ghi nhận thêm 39 ca tử vong vì nCoV, nâng số người chết do đại dịch ở quốc gia này lên 8.309 trong 179.021 ca nhiễm.
Tốc độ tăng ca nhiễm và tử vong ở châu Âu đã giảm đáng kể so với giai đoạn đỉnh dịch hồi tháng 3, cho phép các nước nới lỏng phong tỏa xã hội. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo châu Âu vẫn cảnh báo nguy cơ tái bùng phát Covid-19 nếu gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách biệt cộng đồng một cách nhanh chóng.
Tại khu vực Mỹ Latin, Brazil là vùng dịch lớn nhất với 310.087 ca nhiễm và 20.047 ca tử vong, tăng lần lượt 16.730 và 1.153 trường hợp. Nước này hiện là vùng dịch lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nga.
 Brazila là vùng dịch lớn nhất Mỹ Latin với 310.087 ca nhiễm và 20.047 ca tử vong.
Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh đầy đủ tình hình bởi các cơ quan y tế Brazil đang bị quá tải và chưa thể xét nghiệm toàn diện. Hiện Brazil vẫn chưa có hướng dẫn toàn quốc về phong tỏa và điều này buộc các bang và thành phố phải tự đề ra các biện pháp tự đề phòng dịch bệnh. Trong khi đó, Tổng thống nước này Bolsonaro, với lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế đã liên tục thúc giục người dân tiếp tục làm việc như bình thường.
Sau Brazil, Peru trở thành vùng dịch lớn thứ hai ở khu vực Mỹ Latin với số ca mắc lên đến 104.020 người, tăng trên 4.500 ca trong 1 ngày. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc từ ngày 16/3, sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 vào ngày 6/3 và quốc gia Nam Mỹ cũng đã 4 lần kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc./.