Mỹ-Trung chuẩn bị nối lại đàm phán thương mại, chứng khoán châu Á tăng mạnh

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 8/5, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản leo dốc hơn 1%.

Thị trường cổ phiếu châu Á đi lên trong phiên này khi các nhà đầu tư lạc quan về việc các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị nối lại đàm phán và báo cáo lợi nhuận khả quan hơn của các DN Mỹ.
 Chứng khoán châu Á giảo dịch khởi sắc trong phiên 8/5.
Ngày 7/5, hãng tin Bloomberg cho biết phái đoàn thương mại hai nước Mỹ, Trung đã thống nhất sẽ tiến hành hội đàm trực tuyến vào đầu tuần sau để thảo luận tiến độ thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, ký hồi tháng 1/2020. 
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer dự kiến sẽ có mặt.
Được biết nội dung của thỏa thuận nêu rõ trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ-Trung có nghĩa vụ gặp nhau 6 tháng một lần để cùng nhau giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi. Những cuộc trao đổi này sẽ được tiến hành độc lập với quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2.
Chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng hơn 1,1%.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 leo dốc 1,78%. Chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường Australia nhích hơn 0,76%.
Tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số Thượng Hải cộng 0,62%, trong khi đó chỉ số Thâm Quyến phục hồi 0,97%. Chỉ số Hang Seng của sàn Hồng Kông cũng tăng 0,9%.
Chỉ số KOSPI cộng 1,3%, trong khi đó, chỉ số Kosdaq tăng 1,61%.
Nhà phân tích kinh tế Ryan Felsman tại CommSec ở Sydney nhận xét: “Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu trong phiên này trở nên phấn khích hơn nhờ kỳ vọng vào kết quả đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc, đồng thời cũng hy vọng có thể có thêm biện pháp hỗ trợ kinh tế từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ”.
Những thông tin tích cực đã đẩy chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ tăng 1,06% lên 2.910,5 điểm.
Thị trường trái phiếu vẫn hướng sự chú ý vào mức độ ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu, mặc dù một số nước bắt đầu khởi động lại hoạt động sản xuất.
Tại Nhật Bản, dữ liệu công bố ngày 8/5 cho thấy nền kinh tế nước này chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, khi chi tiêu hộ gia đình trong tháng 3 giảm 6% và hoạt động của ngành dịch vụ thu hẹp với tốc độ kỷ lục.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, hiện giảm 0,171%, xuống 99,646 điểm, sau khi đạt mức cao nhất trong 2 tuần.
Tỷ giá đồng euro so với đồng USD tăng 0,17% lên mức 1 euro đổi được 1,050 USD. Đồng USD ổn định so với đồng yen Nhật Bản, hiện ở mức 1 USD “ăn” 106,33 yen Nhật./.