Mỹ - Trung được gì khi hạn đình chiến thương mại trôi qua gần nửa?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 ngày hội đàm giữa các quan chức thương mại cấp trung tại Bắc Kinh đã đạt được những tiến bộ nhất định nhưng rào cản thì vẫn còn đáng kể.

Bữa tối thân mật giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Argentina tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. 
Các cuộc đàm phán bắt đầu vào hôm 7/1 tại trụ sở Bộ Thương mại Trung Quốc đã kéo dài thêm một ngày so với dự kiến. Hai bên đã dành ngày đàm phán đầu tiên để cố gắng tìm hiểu chi tiết các cam kết mua thêm hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ của Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng.
Bloomberg dẫn lời một nguồn tin thân cận cho biết, các nhà đàm phán Mỹ, bao gồm quan chức từ các Bộ Thương mại, Năng lượng và Nông nghiệp, đã tìm cách đề nghị Trung Quốc cam kết cụ thể sẽ mua bao nhiêu tại các khung thời gian được ấn định. Một dấu hiệu thể hiện rõ sự tiến bộ đó chính là tuyên bố mà Bắc Kinh đưa ra hôm 8/1 - ngày đàm phán thứ hai, rằng họ đã phê duyệt nhập khẩu 5 loại cây trồng biến đổi gen mới - một động thái đáp lại sự mong đợi trong nhiều năm qua của nông dân và công ty nông nghiệp Mỹ.
Các nhà đầu tư đã nhanh chóng thể hiện sự hoan nghênh với các dấu hiệu lạc quan từ vòng đàm phán mới nhất, khi nhiều cổ phiếu đã tăng trên toàn cầu, với chỉ số S&P 500 tăng bốn phiên liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng một tháng. Một nhóm đại diện cho các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đã hoan nghênh các cuộc thảo luận thực chất, nhưng nhấn mạnh sự cần đi sâu hơn vào các rào cản còn tồn tại.
Một thực tế là hai bên vẫn còn chia rẽ lớn trong các vấn đề như giảm sự bảo trợ của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp trong nước hay việc bảo vệ sở hữu trí tuệ - một yêu cầu thách thức nhất từ chính quyền Tổng thống Trump. Theo giới chuyên gia thì điều này có nghĩa là cần có thêm các vòng đàm phán, có thể ở cấp cao hơn, nhằm tiến tới hình thành một nghị quyết chung của hai nước.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tỏ ra thận trọng khi tuyên bố Washington muốn bất kỳ thỏa thuận Mỹ - Trung nào vào lúc này cũng cần được đảm bảo tính liên tục và hiệu quả trong việc thực thi, đồng thời cho biết sẽ quyết định các bước tiếp theo sau khi nhận được báo cáo cụ thể từ phái đoàn do Phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu trở về từ Bắc Kinh. Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 10/1 thì khẳng định hai bên đã đạt được sự đồng thuận cao như những gì đã từng ghi nhận được trong các cuộc đối thoại trước đây giữa hai Nhà lãnh đạo Trump - Tập.
Xuất hiện chớp nhoáng trong ngày đàm phán đầu tiên, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang rất nghiêm túc trong việc hướng đến đạt được những tiến bộ. Dự kiến ông Lưu - trợ lý kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình - sẽ có cuộc gặp với ông Lighthizer vào cuối tháng này.
Trước vòng đàm phán lần này, Trung Quốc đã đưa ra một số nhượng bộ đối với các yêu cầu của Mỹ, bao gồm việc cắt giảm tạm thời mức thuế trừng phạt đối với ô tô nước này, đặc biệt là khởi động lại việc thu mua đậu nành Mỹ với mục tiêu ít nhất là 5 triệu tấn. Sự tích cực này của Bắc Kinh phần nào được cho là xuất phát từ những tổn thương không thể chối cãi của nền kinh tế Trung Quốc sau cú áp thuế trị giá 200 tỷ USD của Washington.
Chính quyền Trump cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ với một thị trường tài chính lao dốc trước những lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới. Tất cả các dấu hiệu đang cho thấy Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn sớm đạt được thỏa thuận, ít nhất là trước ngày 1/3 tới - kết thúc hạn 90 ngày đình chiến thuế quan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần