Mỹ - Trung gặp mặt ở Alaska: Vòng đầu của trận quyền anh

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới quan sát nhận định Mỹ và Trung Quốc có những kỳ vọng rất khác nhau về cuộc gặp giữa quan chức cấp cao hai bên tại Anchorage, Alaska sắp tới.

“Không khoan nhượng” là từ khóa cho lập trường của quan chức Mỹ tại lần gặp mặt đầu tiên với phía đồng cấp Trung Quốc, kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức.  
Kỳ vọng khác biệt
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ gặp Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị tại Alaska vào ngày 18/3, sau chuyến thăm các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm nhấn mạnh cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
 Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
Chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Mỹ ngay trước cuộc gặp dường như là “bước đệm” cảnh báo về quan điểm cứng rắn của Washington đối với nền kinh tế thứ hai thế giới. Tại Tokyo hôm 16/3, Ngoại trưởng Blinken cam kết sẽ đẩy lùi "sự ép buộc và gây hấn" của Bắc Kinh, bao gồm cả các yêu sách lãnh thổ mở rộng của nước này ở Biển Đông. “Chúng tôi mong có cơ hội trình bày các điều khoản rõ ràng với các đối tác Trung Quốc về một số lo ngại với những hành vi của họ”, Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 17/3 khẳng định trong chuyến thăm Nhật Bản.
Đó là một thước đo cho thấy sự thẳng thắn cứng rắn của Mỹ đối với Bắc Kinh dưới thời Biden, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tìm kiếm một nền tảng ổn định để làm cơ sở cho các mối quan hệ song phương.
Cuộc gặp tại Alaska sẽ là viên gạch định hình nền tảng đó. Nhưng những dấu hiệu cho thấy hai bên kỳ vọng khác nhau về sự kiện này.
Trong khi Bắc Kinh kêu gọi cải thiện mối quan hệ với Mỹ, vốn đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ; Washington lại khẳng định các cuộc đàm phán ở Alaska sẽ chỉ diễn ra một lần duy nhất và bất kỳ sự can dự nào trong tương lai đều phụ thuộc vào việc Trung Quốc cải thiện hành vi của mình.
Về phía Trung Quốc hy vọng cuộc gặp sẽ giúp thiết lập một khuôn khổ rộng rãi cho việc nối lại cam kết, thay vì giải quyết các vấn đề cụ thể. Trong khi đó, giới chính Mỹ thuộc chính quyền Biden đã nói rõ rằng Alaska không phải là nơi quay trở lại đối thoại thông thường.
Chia sẻ với báo giới, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng, dự kiến, một số phần của các đàm phán tại Alaska sẽ gặp khó khăn. Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nhận định, Washington sẽ xem xét "hành động chứ không phải lời nói" nếu Bắc Kinh muốn cải thiện tình trạng của mối quan hệ.
“Vòng đầu của trận quyền anh”
Trên lý thuyết, ít nhất, bối cảnh quan hệ song phương đã thay đổi đối với Bắc Kinh kể từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, với chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”. Trong khi đó, ông Biden đã cam kết khôi phục các liên minh của Mỹ, và các đối tác của họ dường như sẵn sàng thực hiện.
Nhóm Bộ tứ Kim cương (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) tuần trước đã lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo, cam kết hợp tác về an ninh hàng hải, mạng và kinh tế, những vấn đề quan trọng đối với 4 quốc gia trước những thách thức từ Trung Quốc.
Chuyên gia Evan Medeiros tại Đại học Georgetown, đã gọi cuộc đàm phán ở Alaska là “vòng đầu tiên của một trận đấu quyền anh” – dù không có khả năng giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nào, nhưng có thể giảm nguy cơ tính toán sai lầm trong tương lai giữa các đối thủ .
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan cho biết, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 dưới thời ông Trump, hoặc các vấn đề thuế quan hoặc kiểm soát xuất khẩu chi tiết sẽ không phải chủ đề chính ở Alaska. Mặt khác, Mỹ sẽ sử dụng sự kiện này để truyền đạt cho Trung Quốc ý định chiến lược và mối quan tâm của họ đối với các hành động của Trung Quốc, bao gồm vấn đề ở Hong Kong, căng thẳng ở eo biển Đài Loan, cưỡng bức kinh tế đối với Australia và quấy rối trong vùng biển tranh chấp với Nhật Bản.
Đó là những lĩnh vực mà Bắc Kinh từng cho rằng Washington không nên can thiệp. Các quan chức Mỹ cho biết điều quan trọng đối với họ là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên của họ với Trung Quốc diễn ra trên đất Mỹ, với Alaska là một biểu tượng cho sức mạnh lâu dài ở Thái Bình Dương. Bất chấp những dấu hiệu thiện chí của Bắc Kinh, dường như cả hai bên đều có rất ít hy vọng về những bước đột phá.
“Ngay cả khi có một số hợp tác ban đầu về các vấn đề cụ thể như biến đổi khí hậu, tác động tích cực của điều đó là không đáng kể với mối quan hệ được đánh dấu bằng cạnh tranh và đối đầu trên mọi mặt trận,” theo Shi Yinhong, giáo sư tại Đại học Renmin tại Bắc Kinh.