Mỹ - Trung Quốc - Nga: Bỏ tay đôi, chơi tay ba

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn vào biểu hiện ra bên ngoài, mối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga trong thời gian vừa qua có nhiều diễn biến trái chiều nhau.

Mỹ và Trung Quốc không găng nhau thêm trong cuộc xung khắc thương mại song phương. Mới đây, hai bên thậm chí còn quả quyết là sẽ triển khai thực hiện cái gọi là Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã được hai bên ký kết hồi đầu năm nay. Mỹ và Nga cũng không xích mích lẫn nhau nhiều hơn vì những chuyện xảy ra ở Syria hay Ukraine cũng như vì Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin mới rồi lại điện đàm với nhau. Nga đúng là đã làm cho Trung Quốc không thể hài lòng khi thuộc những nước láng giềng đầu tiên của Trung Quốc đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn ngừa dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra bùng phát ở Trung Quốc lây lan sang Nga, nhưng Nga tiếp sức rất đắc lực cho Trung Quốc trong đối phó với những cáo buộc và công kích của Mỹ liên quan đến nguồn gốc dịch bệnh và cách thức Trung Quốc đã ứng phó dịch bệnh cũng như thông tin cho thế giới bên ngoài về dịch bệnh.
Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc và Nga kề vai sát cánh tiến hành cuộc chiến tuyên truyền với Mỹ về nguồn gốc dịch bệnh để bác bỏ những cáo buộc và phê phân của Mỹ đối với Trung Quốc. Trên phương diện này, Mỹ đã chuyển từ đối đầu tay đôi với Trung Quốc sang đối đầu đồng thời với cả Trung Quốc và Nga.
Một chủ đề nội dung khác nữa hiện đồng thời phủ bóng đen xuống mối quan hệ giữa ba nước này là chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân. Chính quyền của ông Trump đã lần lượt đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi những thoả thuận về giải trừ vũ khí hạt nhân mà Mỹ đã ký kết với Liên Xô trước đây có hiệu lực tới ngày nay hoặc không gia hạn hiệu lực của những thoả thuận hết thời hạn hiệu lực.
Nếu đấy chỉ là chuyện quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga thì chắc chắn Nga chẳng lo ngại gì. Nhưng chủ ý của Mỹ là thúc ép Trung Quốc cũng phải chấp nhận giải trừ vũ khí hạt nhân. Mỹ khiến Nga rất khó xử vì thế. Nga không thể thúc ép Trung Quốc giải trừ vũ khí hạt nhân, lại càng không thể tạo cơ hội là diễn đàn cho Mỹ gây áp lực ép buộc Trung Quốc phải tham gia tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Cả ở đây, Mỹ cũng đang biến cuộc chơi xưa nay vốn là tay đôi giữa Mỹ và Nga trở thành cuộc chơi tay ba giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Mỗi bên trong bộ ba này có lợi ích riêng trong các cuộc chơi tay ba mới và cũng đều có cái khó khăn và khó xử riêng. Mỹ và Nga hiện gặp khó khăn, thách thức rất nghiêm trọng ở trong nước bởi tác động tiêu cực của dịch bệnh khi chưa kiểm soát được dịch bệnh. Trung Quốc vào thời điểm hiện tại tuy không khó khăn đến thế nữa trên phương diện này nhưng vẫn chưa phải là đã hoàn toàn thật sự thoát hiểm.
Vì thế, đối với cả ba, nhu cầu dùng đối ngoại để trang trải nhu cầu đối nội hiện rất lớn và rất cấp thiết. Cả sự cần thiết về bảo vệ thể diện quốc gia và uy danh quốc tế cũng như vậy. Cuộc chơi tay ba mới này vì thế sẽ còn gay cấn và phức tạp hơn chừng nào dịch bệnh chưa chấm dứt trên thế giới, việc phục hồi tăng trưởng kinh tế và bình thường hoá đời sống xã hội chưa được thành công và chừng nào ông Trump còn công cụ hoá nó phục vụ cho cuộc vận động tranh cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ.
Dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới kết thúc nhưng chỉ đến mức độ hiện tại thôi cũng đã đủ làm cho cả ba nước này bị suy yếu đi so với trước trên nhiều phương diện, trong đó có cả về uy tín, vai trò và ảnh hưởng ở thế giới bên ngoài. Đấy là lý do chính khiến bộ cuộc chơi này còn quyết liệt, thậm chí không khoan nhượng, nhưng cũng chỉ trên những phương diện nhất định chứ không phải trên mọi phương diện và bộ ba vẫn phải giữ cầu quan hệ, vẫn phải hợp tác với nhau để bảo tồn những lợi ích chung, để ngăn ngừa kịch bản tất cả cùng thua chứ không ai thắng, tất cả đều bị bất lợi chứ không ai được lợi.
Chắc phải đến sau cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ thì cục diện quan hệ và tương quan tay ba này mới có thể khác đi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần