Năm 2017: Kinh tế - xã hội Hà Nội phát triển toàn diện

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết: KT-XH năm 2017 tại Hà Nội đạt được kết quả khá toàn diện, thu hút vốn đầu tư tăng cao; giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được đảm bảo.

Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,5%
Sáng 4/12, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, HĐND TP khóa XV, thay mặt UBND TP, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết: KT-XH năm 2017 tại Hà Nội đạt được kết quả khá toàn diện: thu hút vốn đầu tư tăng cao; giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được đảm bảo. Tất cả các chỉ tiêu phát triển KT-XH đều hoàn thành kế hoạch, trong đó thu ngân sách vượt dự toán và 06 chỉ tiêu vượt kế hoạch…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, với sự quyết liệt, đổi mới trong phương thức chỉ đạo điều hành, thực hiện tốt các nhiệm vụ Trung ương giao, TP đã chỉ đạo thực hiện nghiêm “Năm kỷ cương hành chính 2017”, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu ngân sách và tiến độ giải ngân đầu tư XDCB; tăng cường quản lý, chỉnh trang đô thị; chỉ đạo quyết liệt các giải pháp dập bệnh dịch sốt xuất huyết; tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân, an sinh xã hội….
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018
Năm 2017, môi trường đầu tư, kinh doanh của TP được cải thiện rõ nét; thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng hiện đã đạt trên 98%; doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết: TP ước phê duyệt chủ trương đầu tư 160 dự án vốn ngoài ngân sách trị giá 110 nghìn tỷ đồng. Vốn đăng ký FDI cả cấp mới và tăng vốn ước đạt 3,356 tỷ USD. TP tiếp nhận 128 dự án đầu tư theo hình thức PPP, trong đó: 8 dự án đã hoàn thành, tổng vốn đầu tư 13.683 tỷ đồng; 12 dự án đang triển khai thực hiện, tổng vốn đầu tư 28.505 tỷ đồng; 99 dự án đang tiến hành thủ tục, tổng vốn đầu tư 287.949 tỷ đồng. Cấp đăng ký doanh nghiệp cho 25.160 DN, tăng 11% cùng kỳ, vốn đăng ký 240 nghìn tỷ đồng (tăng 4%), nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên 231,92 nghìn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ. Đưa vào vận hành 456 dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ cuối năm đạt 55%.
Nỗ lực trên đã có kết quả rõ nét: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước tới nay. Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông.
Đáng chú ý, TP đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới (NTM). Đã có thêm 2 huyện Thanh Trì, Hoài Đức đạt chuẩn NTM nâng tổng số lên 04 huyện NTM; có thêm 30 xã đạt chuẩn (KH là 22 xã), nâng tổng số lên 285 xã NTM (tỷ lệ 73,8%).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, năm 2017, Hà Nội thu ngân sách vượt 1,4% dự toán. Tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 207,628 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so thực hiện năm 2016. Trong đó, thu nội địa 187,64 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2%. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 77,262 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo của UBND TP nêu rõ, với nỗ lực của các cấp, các ngành, kinh tế của TP tiếp tục tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,5% (cách tính mới tăng 7,3%). Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7%. Giá cả thị trường ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân ước tăng 3,05-3,11%. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ ước tăng 10,3%. Tín dụng ngân hàng phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và vốn cho sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 11,54 tỷ USD, tăng 8%.
Hà Nội ước đón 23,83 triệu lượt khách du lịch, tăng 9%. Trong đó, khách quốc tế 4,95 triệu lượt, tăng 23%.
Về trật tự xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết: TP tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra số lượng các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng. Tích cực kiểm tra các công trình xây dựng, quyết liệt xử lý vi phạm các trường hợp"siêu mỏng, siêu méo" tồn từ trước 2016.
Về văn minh đô thị của TP chuyển biến rõ nét: Hệ thống cây xanh, thảm cỏ, các công viên, vườn hoa, chiếu sáng thực hiện theo yêu cầu kỹ, mỹ thuật tiên tiến. Đáng chú ý, chương trình “Một triệu cây xanh” của TP đã thực hiện trồng 337 nghìn cây, lũy kế được 462 nghìn cây, đạt 46,2% mục tiêu. Thi công hạ ngầm tại 41/56 tuyến phố theo kế hoạch giai đoạn 1.
Sắp xếp điều chuyển 623/681 nốt vận chuyển hành khách liên tỉnh; đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh. Thí điểm dịch vụ Iparking trên 02 tuyến phố, đồng thời khảo sát toàn bộ các điểm đỗ xe, tuyến đường có mặt cắt từ 14 m trở lên thuộc 4 quận để xem xét điều kiện triển khai ra diện rộng.
Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 3 cả nước
Cũng theo báo cáo, năm 2017, cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường; chỉ số Cải cách hành chính xếp thứ 3 cả nước, tăng 6 bậc.
Lĩnh vực văn hóa tiếp tục phát triển toàn diện. Các hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa được chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang trọng, tiết kiệm và an toàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết: Giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư và chất lượng được nâng cao. Năm 2017, có thêm 100 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ đạt 62,5%).
Y tế thường xuyên được quan tâm, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ; chất lượng cơ sở vật chất và chuyên môn được nâng lên. Đưa khoảng 30 kỹ thuật, công nghệ mới vào chẩn đoán và điều trị. Đã thiết lập hơn 859 nghìn hồ sơ điện tử phục vụ khám và theo dõi sức khỏe toàn dân. Tổ chức khám sàng lọc phát hiện ung thư sớm đại trực tràng miễn phí cho người dân từ 40 tuổi trở lên. Kiểm soát tốt bệnh tay chân miệng, cúm A (H5N1 và H7N9), Ebola, Zika. Chỉ đạo đồng bộ các biện pháp kiểm soát và dập dịch sốt xuất huyết. An toàn thực phẩm là nhiệm vụ thường xuyên…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết: An sinh xã hội được đảm bảo, các chế độ, chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo được quan tâm kịp thời, đúng đối tượng. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; hoàn thành hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 8.211 nhà cho người có công với kinh phí 955 tỷ đồng. Triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo, đến nay Thành phố không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ước còn 1,77%. Hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho 152.000 người.
Nhìn chung, tất cả các chỉ tiêu phát triển KT-XH của TP Hà Nội đều hoàn thành và vượt kế hoạch, phù hợp tình hình phát triển chung của cả nước. Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò là một đầu tàu kinh tế của cả nước.
Năm 2018: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị”
Thực hiện năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị”, năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết, TP đặt ra mục tiêu tổng quát là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trong đó, tập trung tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật, hiệu quả thực thi các chính sách và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành và các cấp. Tập trung khuyến khích hỗ trợ thúc đẩy thành lập doanh nghiệp. Đẩy mạnh thu hút, thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, dự án đầu tư nước ngoài. Tập trung triển khai các dự án đầu tư XDCB ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục rà soát và có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng thiếu trường học công lập tại các khu vực đô thị hóa cao, đôn đốc tiến độ các dự án XHH xây dựng trường học và tiếp tục quan tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường, môi sinh: an toàn thực phẩm; cung cấp nước sạch; đảm bảo xử lý chất thải rắn. Tiếp tục Chương trình trồng 1 triệu cây xanh; hạ ngầm cáp điện, thông tin trên các tuyến phố. Xây dựng và từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh.

Đồng thời, thực hiện kế hoạch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo. Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và duy trì có hiệu quả các hoạt động của Ban chỉ đạo 197. Rà soát kết quả thực hiện các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố đề ra để tiếp tục có giải pháp trong chỉ đạo, điều hành đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, gắn với đánh giá 10 năm hợp nhất mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước

Báo cáo tổng hợp thẩm tra chung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm 2018 do ông Nguyễn Nguyên Quân- Trưởng Ban Đô thị- đại diện cho các Ban HĐND TP trình bày tại Kỳ họp thứ 5- HĐND TP Hà Nội khóa XV sáng 4/12 cho biết, các Ban đánh giá với sự phấn đấu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2017 của Thành phố tiếp tục ổn định, phát triển tích cực, toàn diện.

Kinh tế tăng trưởng khá, ước cả năm đạt 7,3%, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu đều vượt kế hoạch; thu hút vốn đầu tư tăng cao, công tác quản lý, phát triển đô thị đồng bộ theo quy hoạch được chú trọng với nhiều giải pháp mới, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực….Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò là một đầu tàu kinh tế của vùng và cả nước.

 Kỳ họp thứ 5, HĐND TP khóa XV

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục. Các Ban thống nhất 6 nhóm hạn chế đã nêu trong báo cáo kinh tế - xã hội của UBND, đồng thời nhấn mạnh và bổ sung một số nội dung sau:

Một là, tăng trưởng kinh tế chưa thật sự ổn định, bền vững, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm; Việc triển khai một số chính sách khụyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm. Năng suất lao động chưa cao, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) dù đã cải thiện trong năm 2016 song vẫn chưa tương xứng với vị thế Thủ đô, chưa đáp ứng yêu cầu; kết quả cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) chưa rõ, nhất là 3 chỉ số thành phần (Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở) đang ở mức thấp so với cả nước.

Hai là, công tác rà soát, tham mưu Thành phố tổ chức thực hiện một số nội dung phân cấp lĩnh vực thủy lợi, duy trì vệ sinh môi trường, cắt tỉa cây xanh,...chưa đảm bảo tính kịp thời, có ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ; một số lĩnh vực phân cấp vẫn chưa hoàn thành rà soát, lập danh mục và hoàn thành bàn giao trên thực tế (quản lý công viên, vườn hoa; quản lý nước sạch nông thôn; quản lý hạ tầng CNTT dùng chung; quản lý một số công trình hạ tầng xử lý rác thải, nước thải…

Ba là, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch, thiết kế đô thị, thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở còn bất cập, hạn chế. Tiến độ công tác GPMB một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm so với kế hoạch. Vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, đặc biệt là lấn chiếm đất nông nghiệp còn xảy ra, kết quả xử lý vi phạm ở một số địa phương còn hạn chế, thiếu quyết liệt gây bức xúc trong Nhân dân. Công tác giải quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác PCCC chưa được giải quyết triệt để (tập trung chủ yếu tại các khu chung cư). Tình hình cháy, nổ chưa giảm, ý thức chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ của một số doanh nghiệp, đơn vị và người dân còn chủ quan, chưa quan tâm.

Bốn là, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề dân sinh bức xúc (ô nhiễm môi trường làng nghề, nước thải, bụi ở các trục đường giao thông chính và các công trình xây dựng); việc xử lý rác thải y tế còn chưa đảm bảo theo quy định; lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn Thành phố có khối lượng lớn nhưng không được phân loại tại nguồn; tại nhiều quận, huyện còn để tình trạng quá tải rác sinh hoạt tại các bãi tập kết, trung chuyển rác, có thời điểm vận chuyển không kịp thời gây bức xúc trong Nhân dân…

Năm là, còn tình trạng thu chi chưa đúng quy định tại một số cơ sở giáo dục công lập; các cơ sở giáo dục ở khu vực ngoại thành nhiều nơi còn thiếu cơ sở vật chất, thiết bị học tập, triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ tập trung còn chậm, việc quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn hạn chế; dịch bệnh như sốt xuất huyết kéo dài…

Sáu là, công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp, các ngành có thẩm quyền trong giải quyết và thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật ở một số địa phương còn chưa hiệu quả; xử lý các vi phạm chậm dẫn đến bức xúc cho người dân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn….

Các Ban cho biết, về nguyên nhân của những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như trong báo cáo của UBND Thành phố. Song cần phân tích kỹ hơn, sâu hơn, rõ địa chỉ đối với những nguyên nhân chủ quan để đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Để HĐND Thành phố có thêm thông tin thảo luận, các Ban đề nghị UBND Thành phố báo cáo bổ sung:

Tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dự án cung cấp nước sạch và khả năng hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch năm 2017;

Tình hình thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ các cụm công nghiệp tập trung có trạm xử lý nước thải và khả năng hoàn thành chỉ tiêu này năm 2017.

Tình hình và khả năng hoàn thành chỉ tiêu về số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế tăng thêm, việc bố trí giường bệnh đến năm 2020 cần phải đạt là 26,5 giường bệnh/vạn dân, 13,5 bác sĩ/vạn dân tuy nhiên kết quả thực hiện đến năm 2017 mới đạt được 23,3 giường bệnh/vạn dân, 13,1 bác sĩ/vạn dân…

Báo cáo rõ hơn kết quả hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản trong năm 2017 so sánh với năm 2016.

Đánh giá hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, tình hình tiến độ triển khai lập Chương trình phát triển đô thị, tình hình, kết quả lập tiêu chí, danh mục, lộ trình và biện pháp di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch, tình hình thực hiện pháp luật: trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư, nhà ở thương mại; về đảm bảo môi trường tại các làng nghề; về hoạt động vận tải xe buýt trên địa bàn Thành phố.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần