Năm 2017, ngân sách Nhà nước bội chi 178.300 tỷ đồng

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2017, ngân sách Nhà nước bội chi 178.300 tỷ đồng, tương đương 3,5% GDP. Trong đó, bội chi ngân sách Trung ương (NSTW) là 172.300 tỷ đồng, tương đương 3,38% GDP, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 6.000 tỷ đồng, tương đương 0,12% GDP.

Chiều nay (20/5), thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Theo đó, năm 2017, ngân sách Nhà nước bội chi 178.300 tỷ đồng, tương đương 3,5% GDP. Trong đó, bội chi ngân sách Trung ương (NSTW) là 172.300 tỷ đồng, tương đương 3,38% GDP, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 6.000 tỷ đồng, tương đương 0,12% GDP.
Dự toán chi nợ lãi 98.900 tỷ đồng, quyết toán 97.728 tỷ đồng, giảm 1.172 tỷ đồng so với dự toán; ngân sách trung ương trả nợ lãi 95.406 tỷ đồng, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Ảnh: Quochoi.vn
Theo báo cáo 198/BC-CP trình bày tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, trong năm 2017, nhiệm vụ chi NSNN đã được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Công tác quản lý, kiểm soát ngân sách Nhà nước chặt chẽ theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và nghị quyết của Quốc hội...
Tuy nhiên, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định; việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.  
Có dự án điều chỉnh tăng mức đầu tư gấp 39 lần
Liên quan đến vấn đề thẩm tra chi ngân sách Nhà nước, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, đánh giá: Công tác lập, giao dự toán chi ngân sách còn bất cập; vẫn còn tình trạng giao dự toán không đúng quy định.
Đối với chi thường xuyên, một số bộ, cơ quan trung ương giao dự toán chậm, chưa đúng tỷ lệ nguồn vốn, không đúng tính chất nguồn kinh phí; có Bộ phân bổ, giao dự toán nhưng không đầy đủ căn cứ theo quy định.
Bên cạnh đó, tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định chưa được khắc phục.
 Ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Trong khi ngân sách hạn hẹp, nhiều công trình cần đầu tư nhưng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2017 nguồn ngân sách Nhà nước giải ngân chậm nhất trong 5 năm gần đây, chỉ đạt 86,3%.
Tình trạng xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác chưa được khắc phục, có dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án điều chỉnh tăng gấp 2 lần, 3 lần tổng mức đầu tư ban đầu, cá biệt có dự án tăng gấp 39 lần.
Điển hình như dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi điều chỉnh 3 lần; dự án đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh điều chỉnh 6 lần, tăng tổng mức đầu tư hơn 3 lần; dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Cửa Đại điều chỉnh 4 lần; dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tình Ninh Thuận điều chỉnh 3 lần, tổng mức đầu tư tăng hơn 2 lần; dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng phát triển Việt Nam tại Nha Trang điều chỉnh 4 lần, tổng mức đầu tư tăng hơn 39 lần.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Hải, nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán, vẫn còn tình trạng chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, qua giám sát cho thấy, số chi chuyển nguồn và kết dư NSĐP của hầu hết các địa phương đều lớn và có xu hướng tăng.
Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, phải vay để bù đắp bội chi, nhiều nhiệm vụ cần kinh phí để thực hiện, thì việc bố trí kinh phí nhưng không hoàn thành nhiệm vụ chi, phải chuyển nguồn sang năm sau hoặc để kết dư ngân sách lớn thể hiện hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách chưa cao.