Năm 2017, ngành ngân hàng kiểm soát tốt tín dụng bất động sản

Huyền phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay từ những tháng đầu năm nay NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/2017, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, cho vay có bảo đảm bằng BĐS, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn… để đưa ra chỉ tiêu quản lý phù hợp, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động. Đồng thời, hướng tín dụng BĐS vào dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Trước đây, đa số các NH thương mại cổ phần đều tham gia cho vay mua nhà và tài trợ các dự án bất động sản. Như vậy, hầu như doanh nghiệp đầu tư bất động sản nào cũng có một ngân hàng đứng sau tài trợ vốn. Với thực trạng này NH không thể kiểm soát được dòng tiền tín dụng của mình chặt chẽ được. Tình trạng một dự án BĐS được vay của NH nhưng người mua nhà tại dự án này lại cũng vay vốn NH. Cùng với đà tăng trưởng ấn tượng của tín dụng NH trong những tháng đầu năm, dòng tiền của các NH đầu tư cho thị trường BĐS cũng tăng đáng kể.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Một thực tế của thị trường BĐS vừa qua đã có nhiều khởi sắc, các dự án được tiếp tục triển khai và khởi công mới nên vốn vào đây có tăng và thị trường có ấm lên, tiêu thụ sản phẩm BĐS có tăng nên lĩnh vực này hút vốn là bình thường. Trong số vốn này không chỉ có vốn từ NH. Thêm nữa, việc tăng này nằm ở phân khúc nhà đầu tư bán trực tiếp tới người tiêu dùng, không qua trung gian, nên NH có thể kiểm soát dự án có sản phẩm. Do đó, hạn chế bong bóng BĐS và phát sinh nợ xấu.

Cần phải thấy rằng việc tín dụng BĐS tăng cao trong những tháng đầu năm vừa qua cũng khiến cho một số nhà quản lý và dư luận lo ngại sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh nợ xấu, bởi sự thất thường BĐS của Việt Nam nếu không nói rằng nguy cơ bong bóng BĐS vẫn còn tiềm ẩn trong thời gian tới. Nhưng cũng theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì dòng tiền của NH đổ vào BĐS trong những tháng đầu năm vừa qua có nhiều thay đổi. Dường như các NH đã “tỉnh” hơn nhiều. Các ông chủ nhà băng chú trọng cho vay để mua, sửa chữa nhà cửa... qua kênh tín dụng tiêu dùng, các khoản tín dụng này thường được đảm bảo trả nợ bằng tiền lương, bằng thu nhập thường xuyên, ổn định nên không đáng ngại về khả năng làm tăng nợ xấu. Với các dự án thì các NH thường nhắm tới các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện với những vị trí có hạ tầng tốt, tính thanh khoản cao.

Lý giải về việc dòng vốn tín dụng NH tiếp tục đổ vào thị trường chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng đó là một hiện tượng bình thường của cung cầu tín dụng, khi thị trường BĐS có dấu hiệu ấm lên cùng với việc tính thanh khoản dòng tiền của các tổ chức Tín dụng dồi dào thì dòng tiền của NH đầu tư cho BĐS sẽ là một kênh đầu tư tốt. TS Phong cũng nhận định: Các gói tín dụng ưu đãi mua nhà cho các đối tượng chính sách cũng là một trong những nguyên nhân góp phần cho tín dụng vào BĐS tăng."

Thông tin với các cơ quan báo chí về hiện tượng tăng mạnh của tín dụng BĐS, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN khẳng định, tín dụng BĐS tăng chưa đến mức đáng lo ngại. Thực tế, thời gian qua, tín dụng BĐS chủ yếu phục vụ nhu cầu thật trong việc mua bán nhà để ở, xây dựng hoàn thiện các khu xây dựng nhà ở bán và cho thuê, đáp ứng nhu cầu thực sự về nhà ở của người dânchứ không phải đầu tư vào kinh doanh BĐS.

Sau những cơn sóng của thị trường và sự sàng lọc đầu tư tín dụng của các NH, hiện các dự án BĐS cũng đã có sự phân cấp một cách rõ rệt. Chỉ có những chủ đầu tư thực sự có năng lực tài chính và quản lý mới có thể tồn tại. Với dóng tiền của các NH đầu tư vào BĐS cũng đã được kiểm soát chặt chẽ và nhất là ngành NH đang thực hiện những gói cho tín dụng chính sách, hướng tới người có nhu cầu mua nhà thực sự và có nguồn thu nhập ổn định thì chắc chắn trong tương lai sẽ không có hiện tượng nợ xấu phát sinh từ các dự án BĐS kém hiệu quả.