Năm 2019: Ấn tượng xuất siêu 10 tỷ USD

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 264 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với năm 2018, tạo nên con số xuất siêu 10 tỷ USD và kim ngạch 2 chiều đạt hơn 500 tỷ USD.

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 264 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với năm 2018, tạo nên con số xuất siêu 10 tỷ USD và kim ngạch 2 chiều đạt hơn 500 tỷ USD.
Góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu năm 2019 là nhóm hàng công nghiệp chế biến, ước đạt 222,172 tỷ USD, chiếm khoảng 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Trong 34 nhóm hàng công nghiệp chế biến chủ yếu, có tới 26 nhóm đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD trở lên, có 8 nhóm hàng đạt hơn 5 tỷ USD và 3 nhóm hàng đạt trên 30 tỷ USD.
 
Đạt được kết quả xuất khẩu nêu trên, trước hết phải kể đến sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước về chủ trương, chính sách thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, vượt qua nhiều rào cản thương mại từ các thị trường nước ngoài để đạt được kết quả xuất khẩu nêu trên.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính bất hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt nhất lợi ích từ các Hiệp định FTA, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, như: Nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các Hiệp định FTA; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, kết nối Cơ chế Một cửa Quốc gia, triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4...
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin tới các doanh nghiệp và có biện pháp thích hợp đấu tranh tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu; đồng thời chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường bền vững, tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế.
Kết quả cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các Hiệp định FTA đem lại, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong các Hiệp định FTA tính đết hết tháng 11 năm 2019 đạt khoảng 39%% (khoảng 37% nếu tính cả Hiệp định CPTPP) so với tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định FTA (ví dụ: Nga: Tăng 9,1%; Mehico: tăng 27,6%; Canada: tăng 29,9%; Chi Lê: tăng 19,8…), trong đó, có một số thị trường mới trong CPTPP (như sang Canada, Mexico) có mức tăng trưởng tốt ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực và năm 2019 với cán cân thương mại nghiêng về xuất khẩu tới 10 tỷ USD - vượt chỉ tiêu kế hoạch, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt hơn 500 tỷ USD và là năm thứ 4 liên tiếp có xuất siêu kể từ năm 2016 đã đánh dấu mốc quan trọng trong hoạt động thương mại của Việt Nam đồng thời tạo đà cho hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.