Năm 2019, điều chỉnh giảm xuất khẩu xi măng

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Thái Duy Sâm cho biết, trong năm 2019 Bộ Xây dựng dự kiến sẽ điều chỉnh giảm sản lượng xuất khẩu xi măng so với năm 2018.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Cụ thể, năm 2018 tổng sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam đạt 31,2 triệu tấn, nhưng trong năm 2019 dự kiến chỉ còn khoảng 25 triệu tấn. Trong năm 2018, tổng sản lượng xi măng xuất khẩu tăng 55% so với năm 2017, không chỉ đạt con số ấn tượng về sản lượng xuất khẩu, giá trị xuất khẩu sản phẩm xi măng cũng đã vượt qua con số 1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2018, các DN xi măng Việt Nam đã sản xuất ra 99 triệu tấn, trong đó tiêu thụ hết xấp xỉ 97 triệu tấn bao gồm cả xuất khẩu và thị trường trong nước. Cũng theo ông Thái Duy Sâm, tuy dự kiến sản lượng xuất khẩu xi măng trong năm 2019 sẽ giảm so với năm 2018, nhưng nhu cầu thị trường trong nước sẽ tăng thêm khoảng 7 - 8% (từ 64 triệu tấn năm 2018 lên 70 triệu tấn năm 2019) nên nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ giữ mức ổn định.
Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành nhập khẩu xi măng và clinker từ Việt Nam, điều đó đã góp phần giảm cạnh tranh và tăng thị phần xuất khẩu cho xi măng của Việt Nam. Sản phẩm xi măng Việt Nam đã có mặt tại thị trường trên 40 nước. Giá xuất khẩu xi măng năm 2018 đạt trên dưới 50 USD/tấn và clinker từ 38 - 42 USD/tấn (giá xuất khẩu clinker tăng khoảng 10 USD/tấn so với năm 2016).
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường xi măng trong năm 2019 sẽ có những diễn biến khó lường và dự báo sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh khốc liệt từ các DN sản xuất, DN Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trên thị trường xuất khẩu. Một trong những nguyên nhân tác động tích cực đến xuất khẩu xi măng của Việt Nam là Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới, nhưng hiện nay đang phải đi nhập khẩu là do Chỉnh phủ nước này đang thực hiện những biện pháp về môi trường, các DN không đủ điều kiện bị cấm sản xuất và phải đóng cửa, từ đó cũng tạo điều kiện cho các DN còn lại đẩy mạnh đầu tư tốt hơn để nâng cao năng suất. Khi các DN của Trung Quốc ổn định lại hoạt động sản xuất thì sẽ làm cho thị trường biến đổi.
“Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng thực tế sản lượng xuất khẩu các loại vật liệu xây dựng của Việt Nam vào các quốc gia này chưa nhiều, nên các DN cần phải có kế hoạch sản xuất bám vào thực tế thị trường, tránh để tồn đọng sản phẩm. Bên cạnh đó, tuy sản lượng xuất khẩu lớn, nhưng năng lực cạnh tranh chưa cao, nên các DN cần phải đầu tư nâng cao chất lượng, kết hợp với việc giảm chi phí sản xuất”, ông Thái Duy Sâm chia sẻ.