Năm 2020: Xã Mê Linh sẽ không còn hộ nghèo nhờ vay vốn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, nhiều hộ gia đình ở xã Mê Linh đã đầu tư trồng hoa, cây ăn quả, chăn nuôi. Có không ít hộ xây được nhà, mua trang thiết bị tốt, đời sống gia đình cải thiện.

Mê Linh là một trong nhiều xã đã sử dụng nguồn vốn vay ủy thác từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mê Linh rất hiệu quả. Nhiều năm qua, huyện Mê Linh rất quan tâm đến các địa phương trong việc cho vay vốn ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt như vốn vay hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch nông thông, vốn vay việc làm.
 Nhờ vốn vay phát triển trồng hoa, gia đình chị Nguyễn Thị Tám đã thoát nghèo. Ảnh: Thủy Trúc
Thông tin về nguồn vốn vay hiện nay của người dân, Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái cho biết: Hiện tại xã Mê Linh có nguồn vốn ủy thác 14 tỷ đồng do 3 hội đoàn thể tham gia tín chấp vay vốn là Nông dân, Cựu chiến binh và Phụ nữ. Các đoàn thể này theo sát từng hộ trong quá trình sử dụng đồng vốn vay, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi trồng. Việc cho vay vốn phát triển sản xuất, đặc biệt đối với các hộ nghèo, cận nghèo luôn được UBND xã đặc biệt quan tâm.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Văn Bảy, xã Mê Linh có đặc thù trồng hoa, với diện tích khoảng 242ha, nên nhu cầu sử dụng vốn vay của nông dân rất lớn. Hàng năm, số vốn vay lưu động của xã Mê Linh từ Ngân hàng CSXH huyện Mê Linh tương đối nhiều, khoảng 6 - 7 tỷ đồng. Các hộ gia đình vay chủ yếu đầu tư cho sản xuất hoa, một số hộ phát triển trang trại hoa, chăn nuôi.
“Mỗi năm, một sào ruộng trồng hoa cho bà con xã Mê Linh thu nhập trung bình 20 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Chúng tôi thấy, nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng CSXH với lãi suất ưu đãi nên bà con nông dân có động lực và yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình” - ông Bảy khẳng định.
Cụ thể như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Tám ở xóm Hội, thôn Hạ Lôi, trước kia thuộc hộ nghèo. Được sự quan tâm của TP Hà Nội, Ngân hàng CSXH huyện Mê Linh, hộ gia đình chị Tám được vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng hoa. Chị Tám cũng được Hội Nông dân hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc nên trồng hoa đã cho thu nhập cao hơn nhiều cấy lúa.
Đến nay, hộ gia đình chị Tám đã vươn lên hộ cận nghèo và từ năm ngoái trở về đây, cuộc sống dần ổn định. “Một mình tôi đang cố gắng làm lụng để nuôi một mẹ già và con ăn học. Tôi hy vọng, với việc trồng hoa thuận lợi, kinh tế gia đình sẽ phát triển, giàu mạnh hơn” - chị Tám xúc động cho hay.
Xác định nguồn vốn là xương sống tài chính, nên nhiều hộ nông dân Mê Linh mong muốn được tăng nguồn vốn vay lên 100 triệu đồng, thay vì 50 triệu đồng đối với hộ thoát nghèo và 20 triệu đồng nước sạch vệ sinh môi trường như hiện nay. Cùng với đó là lãi suất ưu đãi hơn để bà con tiếp tục yên tâm đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái và Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh Nguyễn Văn Bảy, từ các chương trình vay vốn, đời sống của người dân địa phương cơ bản tốt lên. Không chỉ thế, các nguồn vốn vay đã góp phần quan trọng đưa xã Mê Linh giảm dần tỷ lệ hộ nghèo và tăng số hộ có mức sống khá.
Đến cuối năm 2018, toàn xã Mê Linh còn khoảng 2% hộ nghèo (gần 50 hộ), bằng các giải pháp hỗ trợ cho từng hộ theo nhu cầu và khả năng, cộng với sự quan tâm vào cuộc của các ban ngành đoàn thể, xã Mê Linh phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ không còn hộ nghèo và phát triển bền vững.