Năm 2021 - nỗ lực phục hồi kinh tế

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù năm 2020 ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, song các đánh giá và dự báo về kinh tế Việt Nam là rất tích cực.

Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hình chữ V
Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91% (quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%); Với tinh thần đó, "dù không đạt một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội như mục tiêu đề ra vì lý do khách quan, năm 2020 vẫn được đánh giá thành công hơn 2019”.

Đặc biệt, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và sẽ phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức từ hơn 6 -11,2% trong năm 2021.
Chẳng hạn, trong các dự báo mới nhất cuối năm 2020, WB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% GDP trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng năm 2021 là 6,1%; IMF dự báo lạm phát ở mức 3,5% trong năm 2021. HSBC kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 8,1% trong năm 2021. Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam ở mức 2,8% và tăng mạnh lên mức 7,1% vào năm 2021.
 May hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Phạm Hùng
Thậm chí, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings dự báo Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021.

Yếu tố quyết định làm căn cứ cho những chỉ báo lạc quan về sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2021 là sự thành công trong thực tế kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; Đồng thời, các xung lực tăng trưởng được cộng hưởng nhờ Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công và chi tiêu công; sớm và đang tiếp tục đưa ra các biện pháp tài chính, tiền tệ hỗ trợ DN và người dân, trong đó có giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các DN; hỗ trợ phục hồi tiêu dùng và gia tăng thương mại; tăng cường cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam cũng đang và sẽ được hưởng lợi từ sự tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương; từ sự dịch chuyển và tái định vị các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế sang những quốc gia có chi phí thấp và an toàn hơn.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần cảnh giác trước những nguy cơ toàn cầu do dịch Covid-19 kéo dài; có kịch bản thích ứng hiệu quả hơn với sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính; khai thác thị trường trong nước trước sự suy giảm tổng cầu nội địa. Các chính sách cần ưu tiên cho những nhóm dễ chịu tác động và đảm bảo người lao động trở lại làm việc và các DN nối lại hoạt động trong môi trường an toàn.

Quyết liệt thực hiện mục tiêu kép

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2021, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt “mục tiêu kép”, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, không được chủ quan. Tăng cường công tác quản lý giá cả, bình ổn giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba, không để ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và uy tín của nước ta; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khai thác tốt các thị trường còn dư địa và các thị trường nước ta đã ký kết các FTA, nhất là CPTPP, EVFTA. Chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp về chính sách thương mại ứng phó với sự thay đổi chính sách của các đối tác lớn.

Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp. Tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, DN khởi nghiệp sáng tạo, tranh thủ cơ hội của cuộc CMCN 4.0… Đồng thời, khắc phục sự chồng chéo, giao thoa giữa chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ để hoàn thiện Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chiếm đoạt hàng cứu trợ, tín dụng đen, xuất nhập cảnh trái phép...
Các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương tiếp tục giải ngân số vốn còn lại trong phạm vi tổng số vốn năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao… Đặc biệt, tất cả các cấp, ngành, địa phương và DN cần nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và chính mình, nhằm đạt mục tiêu cho năm 2021.

Trên thực tế, với Hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025. Các DN đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược về phát triển sản phẩm và tìm khách hàng mới, tăng công nghệ tự động hóa… Nhờ vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dù năm 2021 ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, song giai đoạn 2022 - 2023 sẽ từng bước hồi phục, bật lên mạnh mẽ.