Nắm bắt dư luận để tham mưu giải quyết những vấn đề nổi cộm

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã sơ kết công tác tuyên giáo 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ quý IV/2018; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (khóa XIV) về công tác lịch sử Đảng. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.

 Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao giấy khen cho 15 tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Chỉ thị 17.
9 tháng đầu năm 2018, việc triển khai học tập Nghị quyết T.Ư 6, T.Ư 7 được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ đảng viên tham gia học tập đạt trên 94% và 100% đảng viên viết bài thu hoạch. Ban Tuyên giáo Thành ủy và các quận, huyện, thị xã, Đảng ủy trực thuộc tiếp tục xây dựng, triển khai các chuyên đề, đề án cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo, giải quyết trực tiếp những vấn đề đang đặt ra nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo tại cơ sở. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị đã mở được 1.516 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị với hơn 260.000 lượt học viên…
Đối với việc thực hiện Chỉ thị 17- CT/TU, toàn TP có 533 ấn phẩm lịch sử được xuất bản bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, phản ánh trung thực, khách quan quá trình xây dựng, phát triển và phong trào cách mạng của các địa phương. 100% quận, huyện, thị xã và các xã, phường thị trấn sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng. 18 quận, huyện, thị xã biên soạn tập bài giảng lịch sử địa phương dùng trong giảng dạy trong các trường học. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến đạt được nhiều kết quả trong việc thẩm định nội dung, gắn biển, tôn tạo các di tích đang bị xuống cấp…

Kết luận hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo các cấp cần quan tâm hơn đến việc sưu tầm, tập hợp tư liệu; tuyên truyền, phổ biến các công trình lịch sử Đảng đến đảng viên, quần chúng Nhân dân và thế hệ trẻ. Để làm được điều đó, rất cần sự chỉ đạo của thường trực cấp ủy, sự phối hợp của UBND, ngành văn hóa và giáo dục - đào tạo. Các địa phương cần khẩn trương thực hiện số hóa các tài liệu liên quan đến lịch sử Đảng để công tác tuyên truyền được tốt hơn.

Ngoài ra, UBND cùng cấp cần bố trí kinh phí để các địa phương thực hiện công tác lịch sử Đảng được tốt hơn. Ngành giáo dục - đào tạo phải đưa chương trình giáo dục lịch sử Đảng vào chương trình giáo dục cho học sinh phổ thông. Ban Tuyên giáo các địa phương cần tiếp tục bố trí cán bộ có chuyên môn làm công tác lịch sử Đảng.

Về công tác tuyên giáo trong 3 tháng cuối năm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu, tiếp tục rà soát Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 về củng cố cơ sở Đảng yếu kém. Trong đó, tuyên giáo phải nắm chắc dư luận xã hội, tình hình diễn biến của địa phương và tham mưu kịp thời cho cấp ủy, ban Tuyên giáo Thành ủy. Cán bộ tuyên giáo cần nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên khi thực hiện đề án, kế hoạch sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết 39. Các địa phương cần triển khai thực hiện xuất bản bản tin nội bộ; thực hiện việc sắp xếp lại trưởng ban tuyên giáo và giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị các địa phương…

Tại hội nghị, Thành ủy Hà Nội đã tặng Giấy khen cho 15 tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Chỉ thị 17.