Năm bứt phá của nông nghiệp Hà Nội

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn về tình hình thời tiết, diễn biến thị trường nhưng ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn vươn lên đạt được mức tăng trưởng khá với nhiều bứt phá ấn tượng.

Nhiều đề án về đích
Năm 2016 là năm cuối cùng thực hiện nhiều chương trình, đề án phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa của ngành nông nghiệp Hà Nội như: Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT), đề án cây ăn quả chất lượng cao, đề án sản xuất và tiêu thụ chè an toàn, đề án hoa cây cảnh, đề án cơ giới hóa… Dẫu vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt được như mong đợi, song sự cán đích của các đề án này đã mở ra nhiều kết quả khả quan cho ngành nông nghiệp Hà Nội khi mà tiền đề của các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn đã hình thành. Một số sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô bước đầu khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
 Trồng cam Canh cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Cao Chí
Tính đến hết năm 2016, ngành nông nghiệp TP đã lập được 37 dự án xây dựng hạ tầng cơ sở vùng RAT tập trung. Tổng diện tích canh tác rau của TP được mở rộng lên 12.000ha, sản lượng đạt gần 600.000 tấn/năm với hơn 40 chủng loại rau khác nhau, đáp ứng được 60% nhu cầu rau xanh của toàn TP. Đáng chú ý, với trên 5.000ha RAT, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương có diện tích sản xuất RAT lớn nhất cả nước. Cũng trong lĩnh vực trồng trọt, Đề án cây ăn quả giá trị kinh tế cao về đích, một lần nữa khẳng định thế mạnh về nhiều trái cây đặc sản của Thủ đô khi các mô hình trồng cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn… cho hiệu quả ngày càng cao, từ 400 – 500 triệu đồng/ha. Đáng mừng nhất là trong năm 2016, lần đầu tiên 10 tấn nhãn muộn của Quốc Oai và Hoài Đức đã đủ điều kiện xuất khẩu sang Malaysia, mở đường cho nhiều trái cây đặc sản khác của Hà Nội tiếp cận thị trường quốc tế, trong đó có cả những thị trường khó tính.
Cùng với việc triển khai nhiều đề án trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh hỗ trợ nông dân đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật từ khâu giống đến sản xuất, sơ chế và chế biến, bảo quản sản phẩm. Một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng bước đầu được hình thành và có xu hướng nhân rộng. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực theo hướng hiện đại, hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đánh giá của Sở NN&PTNT cho thấy, giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp ước đạt 239 triệu đồng/ha, tăng hơn 6 triệu đồng so với năm 2015.
Tăng trưởng ấn tượng
Không nằm ngoài khó khăn chung của toàn ngành, năm 2016, ngành nông nghiệp Thủ đô cũng gặp nhiều yếu tố bất thuận về thời tiết khí hậu như đầu năm xuất hiện đợt rét đậm, rét hại kéo dài và trong năm có 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp gây úng ngập diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cũng gây khó khăn cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, việc triển khai phòng chống thiên tai, dịch bệnh luôn được ngành nông nghiệp TP quan tâm sâu sát.
Ông Đỗ Phú Sơn – Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, TP có tổng đàn gia súc, gia cầm vào nhóm dẫn đầu cả nước với 174.000 con trâu bò, 2,2 triệu con lợn, 26 triệu con gia cầm, nên việc kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều thách thức. Hơn nữa, từ ngày 1/7/2016, khi Luật Thú y có hiệu lực, vấn đề kiểm dịch nội tỉnh đã được bãi bỏ càng gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về kiểm dịch động vật. Mặc dù vậy, với sự chủ động, quyết liệt vào cuộc nên dù trong năm 2016, trên địa bàn TP có xảy ra một số dịch bệnh nhỏ lẻ nhưng đã phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để lây lan và gây thiệt hại. Hay đối với lĩnh vực thủy lợi, ông Nguyễn Vĩnh Liên – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp TP đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, úng ngập khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Đặc biệt, trong năm 2016, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tập trung xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất tới chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Trong đó có sự “bắt tay” chặt chẽ giữa người nông dân với DN và cơ quan quản lý Nhà nước đứng ra là “bà mối”. Sự chủ động phương án sản xuất, tích cực bám sát đồng ruộng, tháo gỡ khó khăn của ngành nông nghiệp Thủ đô cũng như các huyện, thị xã đã trở thành yếu tố quan trọng giúp cho ngành có được trái ngọt trong bối cảnh đầy khó khăn. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của TP năm 2016 ước đạt 46.445 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 2,2% so với năm 2015. Mức tăng trưởng này được đánh giá là ấn tượng hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (1,2%).
Sát cánh đồng hành với ngành nông nghiệp trong suốt năm qua, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng nhận định, con số tăng trưởng 2,2% của ngành nông nghiệp Thủ đô là một kết quả rất đáng khích lệ. Bởi năm 2016 được đánh giá là một năm quá nhiều khó khăn, bất lợi cả về thiên tai thời tiết lẫn tình hình kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp cả nước tăng trưởng âm 0,18% trong vòng 6 tháng đầu năm. Sự tăng trưởng của nông nghiệp Hà Nội là thành quả đánh dấu sự nỗ lực của bà con nông dân cũng như toàn bộ hệ thống chính trị TP, góp phần vào phục hồi tăng trưởng cho ngành nông nghiệp cả nước. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu cho năm 2017.
Hà Nội là TP có dân số lớn, hơn 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng lương thực thực phẩm rất cao. Với vị thế là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Hà Nội vừa phải chỉ đạo quyết liệt phát triển đô thị, vừa phải quan tâm sản xuất nông nghiệp với diện tích đất canh tác lớn và dân số ở nông thôn đông. Do đó, kết quả đạt được trong năm 2016 của ngành nông nghiệp Hà Nội là rất đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm lớn của chính quyền và Nhân dân Thủ đô.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT  Nguyễn Xuân Cường

Trong năm 2017, Sở NN&PTNT đề ra nhiệm vụ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, ATTP. Trong đó, hình thành các chuỗi liên kết, thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học công nghệ và DN.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội  Chu Phú Mỹ