Năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp: Bước chạy đà hiệu quả

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chọn đúng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, gắn trách nhiệm cụ thể, rõ ràng là cách làm mới mà cấp ủy các cấp của TP đã và đang triển khai, trong đó nguồn lực từ chính đội ngũ cán bộ, công chức cũng được “khơi thông” để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Khóa XVI ngay từ năm đầu nhiệm kỳ.

Một năm “được việc”

Trong bối cảnh phải “gánh” cùng lúc nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, đặc biệt là tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, tuy nhiên các cấp ủy, chính quyền không những không “buông lơi” mà còn thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội bằng nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo. Nổi bật là Thành ủy đã tập trung quyết liệt, xây dựng, hoàn thiện và ban hành 8 Chương trình công tác toàn khóa trong thời gian rất sớm để làm cơ sở, “kim chỉ nam” cho các cấp, các ngành triển khai.

Nhờ đó, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,2%, là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Thu ngân sách Nhà nước đã vượt kế hoạch, đạt gần 175.785 tỷ đồng, bằng 103,8% dự toán HĐND TP giao. Nhiều địa phương khi được giao “thu thêm”, có nơi tăng hàng nghìn tỷ đồng, nhưng sẵn sàng nhận và đã hoàn thành nhiệm vụ như Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm... Năm 2016, công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục khởi sắc. Hà Nội có thêm 1 huyện và 56 xã được công nhận đạt chuẩn, đưa số xã đạt chuẩn nông thôn mới của TP lên 257 xã, đạt 66,58% tổng số xã trên địa bàn. Công tác cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa cũng đạt kết quả khả quan, tạo tiền đề quan trọng thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm dây chuyền sản xuất của Công ty Canon Việt Nam, Khu Công nghiệp Thăng Long, tháng 4/2016.  Ảnh:  Thanh Hải

Điểm nhấn trong năm 2016 là môi trường kinh doanh TP được cải thiện mạnh mẽ nhờ kết quả cải cách hành chính, giúp Hà Nội thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Hà Nội đã thu hút được 445 dự án mới có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 2,8 tỷ USD, bao gồm vốn của các dự án tăng vốn, tăng 46% về số dự án và tăng 164% về vốn so với cùng kỳ. Vốn thực hiện ước đạt 1,2 tỷ USD. Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước và lọt vào tốp 25 của thế giới về thu hút nhiều nhất vốn FDI trong năm 2016. Số DN thành lập mới tại Hà Nội lên tới gần 23.000 với vốn đăng ký là 203.000 tỷ đồng, tăng 19% về số lượng, tăng 42% về vốn so với năm 2015. Hà Nội có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 2 bậc và xếp hạng cao nhất từ khi công bố.

Cùng với kinh tế, lĩnh vực xã hội cũng khởi sắc. Nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đã được khởi công hoặc hoàn thành đưa vào sử dụng như Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; Công viên giải trí Kim Quy; Trung tâm Kỹ thuật cao và Phẫu thuật tiêu hóa Hà Nội; Nút giao thông Trung tâm quận Long Biên; cầu vượt nút Bắc Hồng; cầu Zét; cầu Ba Thá; thông xe đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; thông xe kỹ thuật đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy… Đây cũng là năm TP mạnh dạn thực hiện những đổi mới quyết liệt trong quản lý đô thị như tổ chức không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm; xây dựng tuyến phố Lê Trọng Tấn kiểu mẫu, đồng bộ cả quy hoạch và kiến trúc; trồng 1 triệu cây xanh và bước đầu được dư luận đánh giá cao, Nhân dân đồng tình ủng hộ, tham gia.

Những kết quả đó đã phản ánh rõ nét nỗ lực, quyết tâm của toàn TP với phong cách lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt và hiệu quả, đề cao trách nhiệm cá nhân và vai trò nêu gương của người đứng đầu; với tinh thần không ngừng đổi mới và sáng tạo hiện hữu trong mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động, người dân và DN Thủ đô.

Thêm thử thách, tăng quyết tâm

Năm 2017 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh T.Ư giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP chỉ còn 35%, nhưng vẫn phải đảm bảo các mục tiêu. Để “bù” lại phần bị giảm này, cùng với việc đa dạng các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa, TP sẽ rà soát, tập trung nguồn vốn vào các dự án cần ưu tiên để đảm bảo hiệu quả cao. Cùng với đó, hàng loạt giải pháp khác cũng được đề ra, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - DN; tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế. Triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN theo đúng kế hoạch. Có chế tài xử lý người đứng đầu không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN.

Về kết cấu hạ tầng, TP tiếp tục triển khai phát triển khu vực đô thị dọc hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài theo cơ chế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phát triển mạng lưới giao thông hiện đại; tập trung triển khai các công trình giao thông. Phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư các công trình đầu tư theo hình thức PPP: Quốc lộ 21, đường 70. Hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình cấp bách chống ùn tắc giao thông theo cơ chế đặc thù: Cầu nút giao Ô Đông Mác, cầu vượt nút giao Cổ Linh, cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương, mở rộng nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành công trình đường Vành đai 3 (dưới thấp) đoạn Mai Dịch cầu Thăng Long...

Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống Nhân dân. Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế. Làm tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng.

Nhìn vào chủ đề “Năm kỷ cương hành chính” sẽ thấy rõ nhiệm vụ, giải pháp và khâu đột phá của TP trong năm 2017. Đây cũng là sự cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng và thể hiện quyết tâm của lãnh đạo TP trong củng cố kỷ cương hành chính của Thủ đô, hướng tới nền hành chính phục vụ và hiệu quả. Đây cũng chính là sự nghiêm túc, gương mẫu đi đầu của Đảng bộ Thủ đô trong triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 55 - QĐ/TW của Bộ Chính trị về “một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Đây vừa là nhiệm vụ, nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn để TP thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong năm 2017.

Một số chỉ tiêu chủ yếu được TP đề ra cho năm 2017

Tăng trưởng GRDP đạt 8,5 - 9%; GRDP bình quân đầu người từ 86 - 88 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 11 - 12%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 4 - 5%; tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo đạt 59,5%; tăng thêm 80 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 82,8%; giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước 0,6%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch khu vực đô thị phấn đấu đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 40%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 98% ở khu vực đô thị và 88% ở khu vực nông thôn; thêm 22 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới…