Tăng học phí không ảnh hưởng đến học sinh nghèo, khó khăn

Tin và ảnh: Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là tinh thần của tờ trình và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về “Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2017 - 2018” do UBND TP sẽ trình tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2016 - 2021, được thảo luận tại hội nghị phản biện xã hội (PBXH), ngày 14/6, do UBMTTQ TP Hà Nội tổ chức.

Học phí tăng, không ảnh hưởng học sinh nghèo

Theo Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2016 - 2017, tổng thu học phí theo quy định tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được 475,130 tỷ đồng, chiếm 5,6% tổng số chi. Trong đó, kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho theo định mức khoảng 8.521,625 tỷ đồng. Theo tờ trình, mức thu học phí đề xuất điều chỉnh tăng so với năm 2016 - 2017, nằm trong khung quy định của Chính phủ, huy động sự đóng góp của người học. Cụ thể, năm học 2017 - 2018, khu vực (KV) thành thị tăng 30.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); KV nông thôn tăng 15.000 đồng/tháng (tăng 35,5%); KV miền núi tăng 4.000 đồng/tháng (tăng 40%). Với mức thu trên, tổng học phí thu được là 653,339 tỷ đồng, tăng lên 178,02 tỷ đồng so năm 2016-2017 và chiếm khoảng 7,7% tổng chi. Như vậy, nguồn thu học phí đã hỗ trợ một phần cùng với ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu chi phục vụ dạy và học tại các cơ sở giáo dục công lập.
Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Đình Đức phát biểu điều hành hội nghị phản biện xã hội vào tăng học phí.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, mức thu học phí hiện nay ở mức thấp trong khung học phí theo quy định của Chính phủ và thấp hơn so với một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và Đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, các đơn vị phải sử dụng 40% tổng thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy, kinh phí còn lại chi hỗ trợ dạy và học còn rất hạn hẹp, nên chưa huy động được nguồn lực từ sự đóng góp của người dân trong giáo dục. Việc tăng học phí không ảnh hưởng đến học sinh nghèo, khó khăn, ông Quang khẳng định.

Tăng cường giám sát thu chi
Phần lớn, các ý kiến đại biểu đều khẳng định, việc tăng học phí là cần thiết. TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho rằng, tờ trình đã đảm bảo dựa trên cơ sở các văn bản pháp lý và thực tiễn đời sống người dân trong TP. Và việc tăng học phí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành GD&ĐT phát triển nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu học tập của con em người dân. Tuy nhiên, ông Lâm đề nghị cần công khai minh bạch cơ chế thu chi để tuyên truyền cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là phụ huynh để phụ huynh giám sát được các khoản thu chi.
Trưởng ban Văn hóa- xã hội HĐND TP Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu.
Theo PGS. TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội, đầu tư cho giáo dục phải được ưu tiên nhất vì nó liên quan đến sự phát triển con người, phát triển nguồn lực, mang lại lợi ích lâu dài. Bà Bùi Thị An cũng khẳng định về xã hội hóa giáo dục là cần thiết để huy động nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục, tuy nhiên, cần có cơ chế công khai minh bạch các khoản thu, chi và giám sát chặt chẽ; đồng thời đề nghị, nên mở rộng giảm học phí cho cả diện cận nghèo để tránh tình trạng xin làm hộ nghèo để được miễn giảm học phí.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh - Chủ tịch Hội khuyến học TP Hà Nội cho rằng, việc chi thực hiện cải cách tiền lương là cần thiết nhưng nguồn kinh phí nên lấy chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. “Điều chỉnh tăng học phí nhưng không lạm thu, vì đây là mối lo của các gia đình phụ huynh có con em theo học. Các khoản thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện, các loại quỹ và trình trạng dạy thêm, học thêm của các trường phải kiểm soát được việc không lạm thu”, bà Minh nói.

Chia sẻ ý kiến các đại biểu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho rằng, mức thu học phí mới tăng được một năm thì chưa thể đo đếm để có thể thấy ngay được hiệu quả của giáo dục để báo cáo. Việc tăng có tác động tốt, trích 40% phần tăng vào lương, còn 60% chi cho các hoạt động hỗ trợ dạy và học như mua sắm sửa chữa các thiết bị dạy, học.
Phó GS. TS Bùi Thị An phát biểu tại hội nghị.
Ông Trần Thế Cương - Trưởng ban Văn hóa - xã hội của HĐND TP thông tin, qua giám sát, thực tế, có tình trạng một số khu đô thị mới thiếu cơ sở hạ tầng xã hội, trường học quá tải. Như khu đô thị 136 Hồ Tùng Mậu có biệt danh là 3 không (không nhà văn hóa, không trường học, không nơi vui chơi công cộng); hay như khu đô thị mới Linh Đàm: Trong quy hoạch có 6 điểm trường học, thì 5/6 điểm bị chuyển mục đích xây dựng khác… Vấn đề này, các đại biểu HĐND TP sẽ chất vấn các ngành chức năng để làm rõ, ông Cương cho biết.

Tiếp thu các ý kiến, Phó Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Đình Đức hứa sẽ chuyển ý kiến các đại biểu đến các cơ quan có thẩm quyền TP xem xét.

Năm học 2016 - 2017, tổng số em học mẫu giáo và học sinh (HS) phổ thông của Hà Nội có 31.258 HS được miễn học phí, trong đó hộ nghèo là 12.439 HS, chiếm 81,5%; số giảm học phí có 15.283 HS, trong đó có 12.439 HS (hộ cận nghèo). Tổng kinh phí miễn và giảm học phí năm học 2016 - 2017 là 15,751 tỷ đồng; dự kiến năm học 2017 - 2018 là: 21,666 tỷ đồng.