Nam Phi phản ứng mạnh khi nhiều nước siết lệnh cấm đi lại vì biến chủng Omicron

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu ngành y tế Nam Phi cho rằng lệnh hạn chế đi lại do lo ngại biến thể Omicron được phát hiện tại nước này là "không hợp lý".

CNBC đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/11, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla nhấn mạnh lệnh cấm đi lại của các nước trước lo ngại biến thể Omicron là vi phạm quy định và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
 Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla. Ảnh: CNBC 
Bộ trưởng Phaahla cũng chỉ trích các nước "muốn đổ lỗi" và gán biến thể mới này cho Nam Phi thay vì hợp tác để giải quyết tình hình theo hướng dẫn của WHO. "Covid-19 là tình huống y tế khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Chúng ta phải hợp tác, không phải trừng phạt nhau. Các cuộc săn phù thủy không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Nam Phi muốn trở thành người chơi trung thực trên thế giới, chia sẻ thông tin sức khỏe để mang lại lợi ích cho người dân Nam Phi và trên thế giới" - Bộ trưởng Phaahla cho hay.
Theo Bộ trưởng  Phaala, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể mới có thể dễ lây nhiễm hơn nhưng vaccine hiện tại vẫn phát huy hiệu quả ngăn ca nghiêm trọng.
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Phaahla được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt nước, trong đó có Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Nga, siết hạn chế đi lại với khu vực phía nam châu Phi do biến chủng Omicron mới được phát hiện tại Nam Phi.
Biến thể Omicron được báo cáo lần đầu ở Nam Phi và hiện đã ghi nhận thêm một số ca nhiễm tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu hành chính Hong Kông (Trung Quốc).
WHO họp khẩn ngày 26/11 và đổi tên biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mang ký hiệu B.1.1.529 thành Omicron, xếp vào danh sách biến chủng “đáng lo ngại” do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta. WHO cũng đề nghị các quốc gia không vội áp đặt hạn chế đi lại liên quan đến biến thể Omicron, đồng thời kêu gọi áp dụng cách tiếp cận dựa trên khoa học và đánh giá đúng mức độ rủi ro.
Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu và châu Á đã thông báo áp lệnh hạn chế đi lại đối với nhiều nước châu Phi. Các quốc gia chịu ảnh hưởng của lệnh cấm bao gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini (Swaziland), Lesotho, Namibia, Zambia, Mozambique, Malawi và Zimbabwe.
 Hành khách tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg, Nam Phi, hôm 26/11. Ảnh: AP
Vương quốc Anh hôm 25/11 đã tạm ngừng các chuyến bay từ 6 quốc gia châu Phi do biến thể B.1.1.529. Canada cấm nhập cảnh tất cả những người đến từ miền nam châu Phi trong hai tuần qua.
Theo Reuters, ngày 27/11, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo, nước này sẽ thắt chặt kiếm soát biên giới đối với các quốc gia phía Nam châu Phi gồm: Eswatini, Zimbabwe, Namibia, Botswana, Nam Phi và Lesotho, yêu cầu mọi du khách nhập cảnh phải thực hiện cách ly 10 ngày.
Trong khi đó, Nga hôm 26/11 công bố lệnh hạn chế đi lại đối với các nước phía Nam châu Phi và bắt đầu thực hiện từ ngày Chủ nhật tuần này.
Cũng trong ngày 26/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi dừng tất cả liên kết không vận với các địa điểm đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mang tên B.1.1.529.
Mặc dù biến thể Omicron chưa xuất hiện ở Mỹ, nhưng đã có mặt ở nhiều nước châu Phi và châu Âu, khiến các quan chức Mỹ cảnh giác cao.
Mỹ thông báo sẽ sớm áp đặt hạn chế đi lại với 8 nước châu Phi nhằm ngăn chặn nguy cơ “siêu biến thể” Omicron. Theo thông báo được Tổng thống Joe Biden đưa ra ngày 26/11, quyết định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 29/11, áp dụng với du khách đến từ 8 nước là Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Chính sách này sẽ miễn trừ với công dân Mỹ và thường trú nhân Mỹ.
Nhà Trắng cho biết, hạn chế mới này là bước đi cẩn trọng mang tính đề phòng, được triển khai theo khuyến cáo của giới chuyên gia y tế trong chính quyền cũng như đội đặc trách xử lý khủng hoảng Covid-19 của chính quyền.
Cố vấn y tế của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci hôm 26/11 cho biết các nhà khoa học Mỹ  đang cùng các nhà khoa học Nam Phi nghiên cứu biến thể Omicron để xem liệu biến thể gây lo ngại này có thể lẩn tránh được vaccine hay không.
Biến thể Omicron có 50 đột biến, trong đó 32 đột biến nằm ở protein gai, khiến nó khác biệt hẳn so với virus gốc. Các nhà khoa học gọi đó là chùm đột biến bất thường khi Omicron có các đột biến nguy hiểm nhất của tất cả các biến thể từ trước tới nay./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần