Nam Từ Liêm: Người dân là khách hàng thân thiết

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ vị trí thứ 3 năm 2016, quận Nam Từ Liêm đã vươn lên đứng đầu khối quận, huyện về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017. Đó chính là thành quả của những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện mối quan hệ chính quyền - người dân, luôn lấy sự hài lòng của công dân là mục tiêu nâng chất lượng phục vụ.

 Nam Từ Liêm là quận, huyện đầu tiên triển khai “chính quyền, công sở thân thiện, trách nhiệm”.
Chính quyền gửi thư cho dân
Để người dân ngày càng hài lòng khi đến với chính quyền, Nam Từ Liêm là đơn vị cấp quận, huyện đầu tiên triển khai “chính quyền, công sở thân thiện, trách nhiệm” bằng những phương thức mới. Từ quận đến các phường thực hiện phương châm “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn), “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả), “3 không” (không chậm trễ giải quyết hồ sơ, công việc; không sách nhiễu phiền hà Nhân dân; không để công dân đi lại nhiều lần), “10 nguyên tắc vàng giao tiếp với Nhân dân”. Đặc biệt, ấn tượng nhất gần đây chính là những lá thư: Chính quyền gửi “Thư xin lỗi” khi giải quyết công việc trễ hẹn, gửi “thư chúc mừng” khi công dân đăng ký khai sinh, kết hôn, hay “thư chia buồn” khi công dân khai tử cho người nhà.
Ông Nguyễn Văn Thịnh (phường Đại Mỗ) đang làm TTHC tại bộ phận Một cửa quận nhận xét: "Những lá thư nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa người thực thi công quyền và người dân".

Nhằm chuyển từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, cùng với thay đổi cung cách phục vụ của cán bộ công chức (CBCC), UBND quận cũng tích cực triển khai nhiều biện pháp giảm thời gian, số lần đi lại của công dân khi phải giải quyết TTHC liên quan đến những nhu cầu bức xúc. Đến nay, quận đã rút ngắn thời gian giải quyết 50 TTHC các lĩnh vực: Tư pháp, đăng ký kinh doanh, LĐTB&XH, TN&MT, quản lý đô thị, y tế, thuế. Từ quận đến phường còn lập tổ giải quyết nhanh các TTHC theo yêu cầu: Cấp giấy chứng tử được giải quyết 24/24h (cả Chủ nhật, ngày lễ); chứng thực tại nhà cho các chữ ký trong giấy tờ của người già yếu, bệnh tật…

Để siết chặt kỷ cương, quận đã duy trì xếp loại hàng tháng với CBCCVC của quận, phường, gắn với khen thưởng, kỷ luật. Ngoài kiểm tra đột xuất, quận cũng đổi mới cách kiểm tra qua hệ thống phần mềm quản lý và camera theo dõi tại đơn vị, để kịp thời xử lý vi phạm, làm căn cứ hạ bậc thi đua.

Thực tế qua hơn 3 năm thực hiện đột phá CCHC, nhiều công dân đến làm TTHC tại UBND quận, phường đều nhận xét: Không còn phải chờ lâu, không bị phiền hà sách nhiễu và nhất là được phục vụ tận tình như một “khách hàng thân thiết”.

Sớm xây dựng bộ chỉ số nội bộ

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Thanh Long chia sẻ: Quận đang đô thị hóa nhanh nên áp lực về CCHC rất lớn, nên để giữ vững chỉ số CCHC vừa đạt được chính là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai mỗi CBCC. Vì vậy, song song với duy trì tốt mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện, trách nhiệm”, một giải pháp cấp bách mà quận sắp triển khai là xây dựng “Bộ chỉ số đánh giá kết quả công tác CCHC áp dụng nội bộ quận Nam Từ Liêm” (dùng cho các phòng, ban, UBND phường). “Bộ chỉ số này có ý nghĩa trực tiếp góp phần phát huy nhịp độ phát triển của quận, trong chỉ đạo điều hành các cấp, ngành... hoàn thành nhiệm vụ hàng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững” - ông Long khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của địa phương, lãnh đạo quận đề nghị TP sớm tổ chức thi tuyển công chức cơ sở để chuẩn hóa hệ thống này, cũng như giao bổ sung biên chế cho bộ phận một cửa của quận và các phường, bởi từ khi thành lập quận đến nay, bộ phận này chưa được thêm biên chế. Trong khi chưa tuyển đủ công chức hành chính, UBND quận mong TP bổ sung công chức nguồn cho quận và các phường để đủ số tối thiểu.
Bên cạnh giải pháp về con người, các CBCC cũng rất mong với những quy trình liên thông thuộc thẩm quyền giải quyết của TP, UBND TP cần chỉ đạo các sở, ngành xây dựng quy trình phối hợp để cấp cơ sở thuận lợi, trả kết quả đúng hạn cho Nhân dân. Cùng với khắc phục lỗi phần mềm, TP cần sớm có phương án tích hợp cơ sở dữ liệu, liên thông giữa các phần mềm chuyên ngành để đơn giản hóa quy trình giải quyết TTHC.