Nan giải bài toán xe khách liên tỉnh

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện có hàng trăm xe khách liên tỉnh (XKLT) đối lưu từ các địa phương khác, và một lượng XKLT quá cảnh tương đương đang ngày ngày hoạt động đón trả khách trên địa bàn Hà Nội. Nhiều vi phạm của các xe này nằm ngoài “tầm với” của lực lượng chức năng TP.

 Xe khách chạy rùa bò đón khách trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Tuấn Anh

Khó xử lý được doanh nghiệp
Tính từ đầu năm tới đầu tháng 8/2020, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, lập biên bản 2.961 trường hợp vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, phạt hơn 5,7 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 462 trường hợp, tước phù hiệu 114 trường hợp. Cùng với đó, các đơn vị của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng đã xử lý hàng nghìn trường hợp XKLT vi phạm quy định về ATGT. Nhưng thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải, Luật Giao thông Đường bộ của XKLT vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến đường Thủ đô, đặc biệt là trục Vành đai 3. Những hiện tượng như chạy như rùa bò, dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định; xe dù, bến cóc, xe khách trá hình… vẫn tồn tại như một căn bệnh kinh niên và ngày càng trầm trọng.
TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân cho rằng: “Các DN vận tải có xe vi phạm cũng phải bị phạt thật nặng, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh một số trường hợp thiếu trách nhiệm, để lái xe tái phạm nhiều lần”. Đồng tình với quan điểm này, Phó trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Thượng tá Đinh Thanh Thảo khẳng định, nếu cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vận tải không hỗ trợ xử lý nghiêm DN thì rất khó để giải quyết dứt điểm vi phạm.
Tuy nhiên việc này quả thực không dễ dàng. Nguyên nhân chính là một bộ phận không nhỏ XKLT đăng ký kinh doanh tại các địa phương khác, đối lưu hoặc chạy quá cảnh Hà Nội. Việc thanh, kiểm tra, xử lý DN thuộc thẩm quyền của Sở GTVT các tỉnh, thành nơi DN đăng ký kinh doanh, Hà Nội chỉ có thể đề nghị phối hợp hỗ trợ cùng xử lý. Trong trường hợp các sở GTVT địa phương khác không thanh, kiểm tra, Hà Nội cũng “bó tay” gặp không ít khó khăn trong việc xử lý. Việc phạt hành chính hay thu hồi phù hiệu, giấy phép kinh doanh… của các DN này lại càng nằm ngoài “tầm với”. Đặc biệt là xe khách "quá cảnh", luôn lợi dụng sự phối hợp lỏng lẻo giữa các địa phương, đăng ký tuyến dài, đi qua Hà Nội để rà rê bắt khách, gây nhiều hệ luỵ cho giao thông và cả thị trường vận tải Thủ đô.
Đơn cử như tuyến xe khách Mỹ Đình - Quảng Ninh, hiện có xe chỉ đăng ký dưới danh nghĩa xe dự phòng nhưng ngày nào cũng ra đường Phạm Hùng đón khách. Có trường hợp xe 14P - 5605, liên tục bị Thanh tra Sở GTVT Hà Nội bắt, xử phạt song vẫn liên tục chạy “dù” trên đường Phạm Hùng. Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang cho hay: “DN chủ quản của xe này ở Quảng Ninh, nên nếu muốn thanh tra hành chính DN lại phải do Sở GTVT Quảng Ninh thực hiện”. 
Chẳng lẽ chịu thua?
Thực sự Hà Nội đang gặp khó trong việc siết chặt quản lý vận tải hành khách liên tỉnh. Và cái khó nằm chính ở chữ “liên tỉnh”. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích: “Việc phối hợp lỏng lẻo, để XKLT vi phạm kéo dài trên địa bàn Hà Nội có phần trách nhiệm rất lớn của các sở GTVT đối lưu. Dường như nhiều địa phương chỉ cần XKLT không vi phạm trên địa bàn mình”.
Nhìn vào con số xử lý hàng nghìn trường hợp có thể thấy, lực lượng chức năng của Hà Nội đã rất nỗ lực kiểm soát XKLT, nghiêm khắc xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc đơn phương xử phạt hành chính chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. Bằng chứng là hàng ngày, những chiếc XKLT mang BKS ngoại tỉnh vẫn tung hoành ngang dọc trên các tuyến đường: Phạm Hùng, Kim Đồng, Giải Phóng, Pháp Vân… bất chấp gây mất trật tự, ATGT, bức xúc trong dư luận Nhân dân. Thậm chí nhiều xe “phạt mãi thành quen, bắt mãi thành nhờn”, nay phạt, mai lại ngang nhiên tái phạm như thường.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GTVT, thậm chí là Chính phủ cần vào cuộc, chủ trì, yêu cầu các địa phương phối hợp đồng bộ, nghiêm túc. XKLT dù vi phạm tại bất cứ đâu, DN chủ quản đều sẽ bị xử lý trách nhiệm; địa phương nào không “thẳng tay” với DN để phát sinh vi phạm, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Có như vậy mới chấm dứt tình trạng đùn đẩy, bởi vi phạm của XKLT là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông, mất an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, TS Đặng Minh Tân cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội còn chưa quyết liệt với vi phạm của xe khách ngoại tỉnh. Việc đơn phương từ chối cho XKLT nhiều lần phạm luật được khai thác, kinh doanh trên địa bàn TP là hoàn toàn có thể.
Nhiều chuyên gia cho rằng, XKLT, đặc biệt là xe đăng ký kinh doanh ở các tỉnh ngoài còn tái diễn vi phạm tại Hà Nội, một phần rất lớn là do công tác xử lý của lực lượng chức năng chưa hiệu quả. Có những điểm nóng vi phạm đã kéo dài hàng chục năm không được giải quyết không chỉ do thiếu chế tài, thiếu lực lượng mà còn do thiếu cả quyết tâm, thiếu sự bền bỉ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đã đến lúc Hà Nội cần có những biện pháp mạnh mẽ, đột phá khỏi lối mòn lâu nay trong công tác xử lý vi phạm của XKLT. Hơn bao giờ hết, TP cần một “bàn tay sắt” để dẹp yên xe dù bến cóc, xe khách rùa bò, lập lại trật tự, ATGT tại những điểm nóng như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm…

Sở GTVT Hà Nội có thể yêu cầu các bến xe từ chối phục vụ các trường hợp vi phạm. Nếu XKLT bị đình chỉ tuyến vẫn cố tình ra đường rùa bò bắt khách thì lên danh sách “cấm cửa” vĩnh viễn, không cho đưa - đón khách trong phạm vi TP.

TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần