Nan giải giảm thiểu tái chế chất thải nhựa

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/5, tại hội thảo khoa học "Cùng hành động vì môi trường Thủ đô” do Hội Bảo vệ thiên nhiên - Môi trường Thủ đô (HACNE) phối hợp tổ chức, vấn đề công nghệ tái chế, giảm thiểu chất thải nhựa được xới lên. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không hành động ngay từ bây giờ, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng là khó cứu vãn.

 Dây chuyền xử lý rác tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Ảnh: Quỳnh Linh 
Nguy ngại được báo trước
Các chuyên gia môi trường phân tích, nếu trung bình mỗi ngày, một người tiêu dùng sử dụng ít nhất một túi nylon, thì với dân số hơn 90 triệu, mỗi ngày Việt Nam phải tiêu thụ hơn 90 triệu túi nilon và con số này ngày càng tăng theo đà tăng dân số. Cùng với đó, lượng rác thải nhựa cũng tăng. Đây thực sự là thách thức cho môi trường vì cần thời gian dài, có thể lên tới hàng trăm năm, những rác thải nhựa này mới có thể phân hủy. Sự phân hủy chậm trong khi thời gian dùng lại ngắn, nên rác thải nhựa sẽ tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Những cảnh báo này hoàn toàn có cơ sở, bởi số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn cho thấy, hiện tại Việt Nam có lượng rác thải nhựa tới gần 18.000 tấn. Trong khi đó, tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, hầu như các loại chất thải được dồn chung với nhau và được các xe chở chất thải thu gom. Đáng nói, số lượng rác thải nhựa được tái chế còn thấp; công nghệ lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức quy mô, chủ yếu do các DN nhỏ thực hiện, nên hiệu quả thấp.

Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã coi việc phân loại và xử lý rác là một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận. Còn ở Việt Nam, lâu nay, rác thải được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, hoặc đốt thủ công, tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Ngay như Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) - một trong những nhà máy có công nghệ xử lý rác tốt nhất ở Việt Nam, nhưng túi nilon, chất hữu cơ, dầu thải, bông băng y tế, sắt vụn được thu gom về cũng không được tái chế và tái sử dụng mà chủ yếu chôn lấp.

Cần có giải pháp tổng thể

Theo GS.TS Đặng Kim Chi - Hội Bảo vệ Tài nguyên và môi trường Việt Nam, những phương pháp tái chế truyền thống, đang được áp dụng khá phổ biến hiện nay, phần lớn để lại tác động xấu tới môi trường và đặt ra cho các nhà khoa học trách nhiệm tập trung nghiên cứu các phương pháp xử lý tái chế chất thải nhựa hiệu quả hơn, hạn chế được các tác động gây ô nhiễm môi trường. Ví như phương pháp sử dụng enzim “ăn” nhựa, sử dụng sâu “ăn” nhựa, đặc biệt là công nghệ mới tái chế chất thải nhựa thành dầu diezel.

Bày tỏ đồng tình công nghệ tái chế rác thải nhựa sẽ giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, song, TS. Đỗ Thanh Bái (Hội Môi trường Công nghiệp Việt Nam) lại đặt câu hỏi: “Liệu rủi ro về sức khỏe và an toàn cho công nhân tái chế phế liệu nhựa, có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không có thủ tục phòng ngừa thích hợp”.
Bởi theo ông Bái, trong các hợp chất có nguồn gốc từ sự thoái hóa polyme, các hợp chất có nguồn gốc từ các chất phụ gia nhựa và có khả năng bắt nguồn từ chất gây ô nhiễm polyvinyl clorua (PVC), dư lượng thực phẩm, chất tẩy rửa, chất tẩy nhờn… được phát hiện từ nhựa phế thải. Do đó, tan chảy nhựa thải, như được tiến hành trong các cơ sở tái chế, có thể tạo ra một lượng lớn các hợp chất có khả năng độc hại hơn là sản xuất nhựa nguyên chất.

Về vấn đề này, GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, cần thiết có các giải pháp quản lý tổng hợp từ chính sách, quy hoạch phát triển sản phẩm nhựa, nhựa tái chế. Cùng với đó là các giải pháp công nghệ - kỹ thuật trong lĩnh vực này, cần được khuyến khích, đầu tư, tạo điều kiện để có được kết quả áp dụng vào thực tế, nhằm hạn chế những tác động gây ô nhiễm của chất thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Một trong những giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực do rác thải nhựa chính là giải pháp 3R (Reduce, Reuse, Recycle) - hoạt động nhằm quản lý tổng hợp chất thải, trong đó có giải pháp kỹ thuật - công nghệ.

Trong đó, Reduce giảm thiểu lượng rác thải nhựa thông qua cải tiến hay thay đổi các quy trình sản xuất, thay đổi sử dụng các sản phẩm nhựa bằng những sản phẩm khác; Reuse là sử dụng các công nghệ, kỹ thuật để có thể sử dụng lại rác thải nhựa hay một phần của sản phẩm đã qua sử dụng cho một mục đích sử dụng khác; Recycle là sử dụng các công nghệ để chuyển rác thải nhựa thành nguyên liệu sản xuất các sản phẩm khác, giảm phát sinh chất thải nhựa vào môi trường.

GS.TS Đặng Kim Chi - Hội Bảo vệ Tài nguyên và môi trường Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần