Nâng cao chất lượng giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho ý kiến lần hai về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND.

Từ năm 2005 đến năm 2010, tổng số văn bản được ban hành ở tất cả các cấp là 186.322 văn bản có chứa QPPL, trong đó HĐND cấp tỉnh ban hành hơn 7.000 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành hơn 22.000 quyết định và chỉ thị; HĐND, UBND cấp huyện ban hành hơn 75.000 nghị quyết, quyết định và chỉ thị; HĐND, UBND cấp xã ban hành hơn 78.000 nghị quyết, quyết định và chỉ thị...
 

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc triển khai thực hiện Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 của Chính phủ, các bộ, ngành và HĐND, UBND các cấp đã tạo bước chuyển biến mới trong công tác ban hành văn bản QPPL ở địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương; công tác quản lý Nhà nước ở địa phương đã từng bước được thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, công tác ban hành văn bản QPPL ở địa phương còn bất cập do trình độ, khả năng cán bộ chuyên trách ở địa phương có hạn, vì vậy, Nghị quyết cần nhấn mạnh hơn vai trò pháp chế trong xây dựng văn bản QPPL ở địa phương.

Cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, dự thảo Nghị quyết cần được bổ sung, hoàn thiện theo hướng làm rõ hoạt động giám sát của HĐND trong việc ban hành văn bản QPPL; nghiên cứu lại các quy định pháp lý về khái niệm văn bản QPPL, thẩm quyền và vị trí pháp lý của văn bản được ban hành. Đồng thời phải đưa ra biện pháp để kịp thời kiểm soát các loại văn bản QPPL do các ngành, các cấp ban hành.

Bế mạc phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong Phiên họp thứ 5, các thành viên UBTVQH đã tiếp tục cho ý kiến vào 5 dự án luật nhằm đảm bảo chất lượng của công tác lập pháp. UBTVQH và cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các dự án Luật với sự tham gia của các cơ quan liên quan, các đại biểu chuyên trách, các đại biểu Quốc hội khác thông qua các hội nghị trực tuyến, đảm bảo các dự án luật được xây dựng đúng kỹ thuật lập pháp, đạt chất lượng cao.