Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch huyện Ba Vì

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/9 Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại huyện Ba Vì”, với sự tham gia của các đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, DN du lịch.

Cách trung tâm Hà Nội 60 km về phía Tây, huyện Ba Vì là một vùng địa linh nhân kiệt thuộc xứ Đoài. Nơi đây tập trung nhiều thiết chế văn hoá dân tộc như đình, chùa, đền, miếu… với hơn 300 di tích lịch sử văn hoá, đặc biệt có những ngôi đình được các nhà nghiên cứu xếp vào loại đình cổ nhất, kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam như Đình Tây Đằng, Đình Thuỵ Phiêu, Đình Thanh Lũng…  
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch huyện Ba Vì - Ảnh 1
 Đoàn khảo sát tại Khu di tích K9.
Bên cạnh đó, Ba Vì còn nổi tiếng với không gian xanh, nơi chứa đựng nét đẹp hoang sơ lý tưởng và đầy thú vị của núi non, sông hồ, làng quê truyền thống. Với những lợi thế hiện có, Ba Vì đã phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch hội thảo, du lịch cộng đồng. Trong đó nhiều điểm đến đang thu hút du khách như: Khu di tích K9 Đá Chông, Vườn Quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Tiên, Du lịch sinh thái ở Ba Trại…
Ông Đỗ Mạnh Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện Ba Bì chia sẻ: “Ba Vì hiện có khoảng 15 DN đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trong đó xu hướng phát triển du lịch cộng đồng đang là lựa chọn của nhiều DN và được huyện hết sức quan tâm và tạo điều kiện”.
Trong những năm qua, du khách đến Ba Vì ngày càng tăng cao, 8 tháng đầu năm 2018, ước tính lượng khách đến với Ba Vì đạt trên 2,1 triệu lượt. Tuy nhiên, những con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của huyện.
Năm 2018, huyện Ba Vì phấn đấu đón từ 2,7 triệu đến 2,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 290 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, huyện Ba Vì sẽ đón từ 3,5 triệu đến 3,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 520 tỷ đồng…
Để đạt mục tiêu trên, từ nay đến năm 2020 huyện Ba Vì sẽ tập trung hoàn thiện các loại quy hoạch; kết nối các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để tạo nên các tour du lịch khép kín. Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư các dự án xây dựng Khu du lịch cao cấp quốc tế Tản Viên, Khu du lịch sườn Tây núi Ba Vì, Khu khoáng nước nóng Thuần Mỹ. Huyện tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch; tích cực phối hợp triển khai lồng ghép các dự án để nâng cấp những điểm di tích, danh thắng, hỗ trợ xây dựng sản phẩm, tập trung nguồn vốn nâng cấp đường điện, thông tin liên lạc; tạo mối liên kết trong và ngoài huyện, đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến, quản lý điểm đến, tuyên truyền bảo vệ tài nguyên du lịch và tập trung thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch…

Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch huyện Ba Vì - Ảnh 2
 Đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội tại xã Ba Vì hồi tháng 8.
Cùng với những giải pháp trên, huyện Ba Vì sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhà đầu tư phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Huyện cũng sẽ hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, nâng cao các sản phẩm du lịch hiện có; đa dạng hóa dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm…, với mục đích thu hút và “giữ chân” du khách lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn. Huyện Ba Vì cũng sẽ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch mang tính chuyên nghiệp bằng chế độ ưu đãi để thu hút những người có trình độ cao...
“Để du lịch phát triển bền vững, huyện Ba Vì cũng đã đề nghị thành phố chỉ đạo các ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch phát triển khu vực Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sớm triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Ba Vì; đầu tư kinh phí cho công tác quy hoạch chi tiết du lịch sườn Tây núi Ba Vì, khu vực nước khoáng nóng Thuần Mỹ…” - ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết thêm.
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết: UBND huyện Ba Vì đã có kế hoạch và các giải pháp phấn đấu đến năm 2020 đón 3,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 500 tỷ đồng. Muốn đạt mục tiêu đó, huyện cần phát triển nhanh hạ tầng, kỹ thuật, triển khai thực hiện quy hoạch các khu, điểm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tuyên truyền, quảng bá, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, huy động nguồn vốn… 
Để du lịch Ba Vì phát triển hơn nữa, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu cho TP đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch phát triển khu vực Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Ba Vì; phối hợp với UBND huyện Ba Vì xây dựng điểm đến Làng họa sĩ Cổ Đô; hỗ trợ huyện xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn; chuẩn hoá các bài thuyết minh; hỗ trợ huyện đào tạo cho đội ngũ cán bộ, người làm du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì…
Cùng ngày, trước khi diễn ra Hội thảo, Sở Du lịch Hà Nội và huyện Ba Vì đã tổ chức khảo sát một số điểm đến tại huyện Ba Vì.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần