Nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản: Bắt đầu từ các thông tư

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện xung quanh Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT trong đó quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ) sẽ ghi đầy đủ những thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất khiến Bộ Tư pháp phải lên tiếng.

Từ câu chuyện này cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, đặc biệt là các thông tư.
Theo ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), quy định sổ đỏ sẽ ghi đầy đủ những thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất (có hiệu lực từ ngày 5/12/2017) là có cơ sở pháp lý (thể hiện rõ trong Luật Đất đai năm 2013). Ông Ba cũng cho rằng, quy định này là cần thiết, tiến bộ, nhằm minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có chung quyền sử dụng đất, trong đó có các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình, giúp hạn chế những khó khăn, vướng mắc, ngăn ngừa tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp để bảo đảm tính khả thi. Mặc dù, Cục Kiểm tra văn bản không được giao thẩm quyền kiểm tra, kết luận về tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, nhưng qua rà soát, nghiên cứu tổng thể quy định pháp luật và thực tiễn triển khai các quy định pháp luật về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, Cục đã có ý kiến (trực tiếp tại cuộc họp) với Bộ TN&MT.

Ảnh minh họa.

Đây không phải là lần đầu tiên một thông tư chưa có hiệu lực đã dự liệu được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Trước đó, nhiều thông tư cũng gây sự tranh cãi kịch liệt trong dư luận. Đơn cử như: Thông tư số 58/2015 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó có quy định bắt buộc người dân đổi giấy phép lái xe (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) từ bìa giấy sang vật liệu PET. Thông tư này đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” vì "không có cơ sở pháp lý, không đảm bảo tính thống nhất", "tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân".

Hay trước đó, cũng từng ồn ào chuyện phạt vi phạm liên quan đến xe không “chính chủ” mặc dù đây không phải là quy định mới, đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 Nghị định 34/2010/NĐ-CP và điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, chiểu theo quy định này cho thấy, áp dụng đối tượng là chủ phương tiện khi “mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản” mà không tiến hành thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định, chứ không phải là “người điều khiển phương tiện”. Những trường hợp người điều khiển phương tiện xe của người thân, bạn bè hay mượn xe của người khác sẽ không bị xử phạt. Quy định này sau đó đã được ngành Công an giải thích trên công luận nhưng cũng gây nhiều cách hiểu khác nhau.

Nâng cao chất lượng các thông tư trước hết cần quan tâm nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, trong đó có cán bộ pháp chế ở các bộ, ngành. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý kịp thời các sai phạm. Bên cạnh đó, quá trình soạn thảo cần có sự lắng nghe các ý kiến phản hồi trái chiều từ các chuyên gia, nhà khoa học, dư luận xã hội… để các quy định được ban hành đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.