Nâng cao giá trị nhờ giống lúa mới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng một số giống lúa thuần đang dần bị thoái hóa, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tích cực triển khai khảo nghiệm, thực nghiệm những giống lúa mới cho năng suất cao, chất lượng tốt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành lúa gạo Thủ đô.

Tín hiệu tích cực
Vụ Xuân năm 2017, gia đình chị Phạm Thị Thu, thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh cấy 7 sào lúa giống Kim Cương 111, một giống lúa được xếp trong nhóm năng suất cùng với lúa Khang dân 18. Với điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất lúa Kim Cương 111 đạt gần 67 tạ/ha, cao hơn khoảng 8 tạ/ha so với Khang Dân 18. Vụ Mùa năm 2017, chị Thu cấy giống lúa mới khác là Lam Sơn 116, giống lúa chất lượng cùng nhóm với Bắc Thơm số 7. Chị Thu cho biết, giống lúa Lam Sơn 116 cứng cây, có khả năng chống chịu tốt hơn với các bệnh khô vằn, bạc lá, đồng thời, để nhánh gọn, tập trung… Qua đánh giá bước đầu, năng suất lúa Lam Sơn 116 có thể đạt khoảng 60 tạ/ha, cao hơn chừng 7 tạ/ha so với Bắc thơm số 7. 

Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2020, cơ cấu giống lúa năng suất sẽ đạt 50%, giống lúa chất lượng 35%, còn lại 15% là giống lúa lai.

Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bồng Mạc Nguyễn Thị Tình cho biết, trong vụ Xuân và vụ Mùa năm 2017, địa phương phối hợp cùng Trung tâm Phát triển cây trồng (Sở NN&PTNT Hà Nội) tiến hành khảo nghiệm và sản xuất thực nghiệm đối với một số giống lúa mới trên tổng diện tích 14ha. Kết quả thực tế cho thấy, không chỉ Kim Cương 111, Lam Sơn 116, mà 3 giống lúa mới khác gồm Hương Cốm 4, ĐB 18 và Thuần Việt 7 cũng được các hộ tham gia sản xuất thí điểm đánh giá rất cao, bởi năng suất và chất lượng vượt trội.
Mới đây, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) cũng tổ chức đánh giá giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt HDT10 tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Kết quả đạt được khá ấn tượng với mỗi khóm lúa đạt 5,6 bông, tỷ lệ hạt lép chỉ từ 11,9 - 12,5%. Năng suất đạt trung bình 80 tạ/ha. Bên cạnh đó, chất lượng gạo của giống lúa HDT10 được đánh giá cao: Hạt gạo dài, trắng trong; tỷ lệ gạo xát và gạo nguyên cao; cơm mềm, có mùi thơm, ngon.
Đề xuất đưa vào cơ cấu giống lúa mới

Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2020, cơ cấu giống lúa năng suất sẽ đạt 50%, giống lúa chất lượng 35%, còn lại 15% là giống lúa lai.

Thực tế cho thấy, một số giống lúa thuần như Khang Dân 18 hay Bắc thơm số 7, sau khi được đưa vào sản xuất, qua nhiều năm đã có biểu hiện thoái hóa. Đây là lý do những năm qua, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội tích cực phối hợp với các công ty giống cây trồng có uy tín tổ chức khảo nghiệm, thực nghiệm những giống mới, với mục đích cải thiện năng suất và chất lượng cho ngành hàng lúa gạo.
Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, để đánh giá khả năng thích ứng của các giống lúa trên những vùng sinh thái khác nhau, Trung tâm đã lựa chọn 3 địa điểm thực hiện tại các xã: Liên Mạc (huyện Mê Linh), Hát Môn (huyện Phúc Thọ) và Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), với tổng diện tích 41ha. Kết quả sau hai vụ Xuân và vụ Mùa năm 2017 khá tương đồng và đáp ứng tốt các tiêu chí của giống mới. Do đó, bà Hòa đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội đưa giống ĐB 18 và Thuần Việt 7 vào cơ cấu giống lúa năm 2018. Đồng thời cho sản xuất thực nghiệm đối với các giống Lam Sơn 116 và Hương Cốm 4 nhằm đánh giá trên diện rộng.
Theo Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa, việc tuyển chọn những giống lúa mới là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với sản xuất lúa gạo của Thủ đô. Tuy nhiên, để có thể được xem xét, lựa chọn vào cơ cấu giống mới năm 2018, Trung tâm Phát triển cây trồng cần tiếp tục làm rõ một số tiêu chí, đặc biệt là ở khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện thời tiết thay đổi thất thường. Đây là những yếu tố rất quan trọng đối với các giống lúa mới để có thể được lựa chọn bổ sung vào cơ cấu giống phục vụ sản xuất trong năm 2018.