Nâng cao giá trị sản xuất vùng chuyên canh

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tận dụng lợi thế đất ven bãi, những năm qua, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư phát triển, nhân rộng những vùng chuyên canh rau màu và cây ăn quả.

Nhiều mô hình bước đầu mang lại giá trị kinh tế khá, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của bà con nông dân.

Chăm sóc rau xanh tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh.    Ảnh: Nguyễn Lâm

Gia đình anh Võ Văn Dương ở đội 2, thôn Đông Cao là một trong những hộ đầu tiên ở xã Tráng Việt vay vốn phát triển vùng rau sạch ven bãi sông Hồng. Giai đoạn đầu, gia đình anh trồng rau ăn lá (chủ yếu là rau cải). Đến nay, với kiến thức sản xuất tích lũy, học hỏi được, anh mở rộng sang trồng các giống cây lấy củ quả (củ cải, cà rốt, cà chua…). Với 8 sào canh tác, hiện mỗi năm trừ chi phí sản xuất, gia đình thu lãi trên dưới 150 triệu đồng. Được biết, toàn xã Tráng Việt hiện có trên 200ha sản xuất rau màu, trong đó có tới gần 120ha rau an toàn. Điều đáng mừng, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, sản phẩm rau an toàn nơi đây đã được bảo hộ nhãn hiệu, qua đó giúp bà con yên tâm sản xuất.
Cùng với phát triển vùng sản xuất rau theo hướng an toàn và VietGAP, từ năm 2008, Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, UBND xã Tráng Việt đã chủ động hướng dẫn bà con chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sang trồng cây ăn quả. Tính đến cuối năm 2016, toàn xã có trên 100ha trồng bưởi, cùng khoảng 30ha trồng ổi, táo và các loại cây trái khác. Ông Trần Văn Tháp - một trong những hộ có diện tích trồng bưởi nhiều nhất toàn xã cho biết: Thu nhập từ cây bưởi cao gấp 15 - 20 lần so với cây lúa. Kể từ khi bắt đầu được thu hoạch đến nay, mỗi năm, thu nhập từ vườn bưởi của gia đình không dưới 200 triệu đồng. Đáng vui mừng hơn khi thống kê của Hội Nông dân xã Tráng Việt cho thấy, có tới trên 1.500 hộ gia đình trên địa bàn đang có được nguồn lợi từ những diện tích trồng cây ăn quả.  
Ông Đàm Văn Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt cho biết, nhận thức rõ việc nâng cao thu nhập cho bà con là một trong những mục tiêu quan trọng bậc nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã tranh thủ sự hỗ trợ của TP, từng bước nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị nông sản. Các mô hình kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nhóm cây ăn quả và rau màu đã giúp cải thiện đáng kể thu nhập cho bà con nông dân xã Tráng Việt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương theo chuẩn mới đến nay chỉ còn dưới 4%. Cũng theo ông Thìn, những năm qua, hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, hệ thống giao thông nội đồng, nhất là ở vùng bãi chưa được nâng cấp đồng bộ. Bà con được giao đất đai theo Nghị định 64/NĐ-CP nhỏ hẹp, manh mún; trong khi diện tích đất canh tác nằm ven bãi sông Hồng lớn, nhưng không tiến hành dồn điền dổi thửa đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển và nhân rộng những vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Đây là những tồn tại mà địa phương sẽ phải chủ động, tích cực phối hợp với các cấp, ban ngành của huyện, tranh thủ sự hỗ trợ của TP nhằm từng bước giải quyết trong năm 2017.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần