Nâng cao hiểu biết cho người dân để tự bảo vệ mình

Bài, ảnh: Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam và Tổng kết, trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu Bộ Luật dân sự (BLDS) 2015” trên địa bàn TP năm 2017 do UBND TP Hà Nội tổ chức diễn ra ngày 9/11.

Có số lượng bài thi lớn nhất

Theo Phó Giám đốc Sở Tư Pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương, Cuộc thi “Tìm hiểu BLDS 2015” trên địa bàn TP Hà Nội năm 2017 đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở, các đoàn thể quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, còn có sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Điều này, đã thực sự tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, một phong trào tìm hiểu kiến thức pháp luật rộng rãi trong cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và đông đảo Nhân dân Thủ đô. Đây là cuộc thi được tổ chức với quy mô lớn, bài bản và có sự quan tâm đầu tư các nguồn lực của TP.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
So với các cuộc thi viết trước đây như: Cuộc thi “Tìm hiểu Luật Xử lý vi phạm hành chính” được TP tổ chức năm 2013 (với tổng số 212.727 bài dự thi ); Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” được tổ chức năm 2014 - 2015 (với tổng số 390.984 bài dự thi) thì Cuộc thi “Tìm hiểu BLDS 2015” năm 2017 có số lượng bài tham gia dự thi lớn nhất với 420.316 bài. Đối tượng tham gia dự thi rộng hơn với nhiều bài thi có chất lượng cao, đầu tư công phu, sáng tạo, độc đáo và đa dạng về hình thức thể hiện.

Qua tổ chức chấm thi, Ban Tổ chức nhận thấy bài dự thi hợp lệ đạt 98%; bài dự thi xếp loại khá, tốt đạt tỷ lệ 20% và còn lại 80% là các bài thi xếp loại trung bình. Căn cứ kết quả chấm thi của Ban Giám khảo, trên cơ sở theo dõi quá trình tổ chức, kết quả triển khai cuộc thi tại các đơn vị, Ban Tổ chức cuộc thi đã lựa chọn và quyết định trao 55 giải cá nhân và 15 giải tập thể (đây là số giải thưởng lớn nhất từ trước đến nay được trao trong một cuộc thi) nhằm động viên, khuyến khích những người dự thi…

Chủ động hình thức hưởng ứng phù hợp

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, hưởng ứng Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới sáng tạo…”, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch và triển khai đến các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP, UBND các quận huyện, thị xã.

Đây là năm thứ 5 TP ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam trên địa bàn TP. Theo đó, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP phải chủ động xác định hình thức hưởng ứng cho phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao Giấy chứng nhận cho các tập thể, cá nhân đạt giả trong Cuộc thi ''Tìm hiểu BLDS 2015'' năm 2017.
Để hưởng ứng Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam năm 2017, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành trên địa bàn TP cần tập trung thực hiện một số nội dung sau: Thứ nhất, tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, các Luật, Bộ luật mới, đặc biệt là văn bản pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân và DN; những nhiệm vụ trọng tâm của TP. Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thực hiện tốt chủ đề Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam năm 2017. Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tạo chuyển biến sâu sắc trong xã hội về ý thức chấp hành pháp luật… và đích đến là nâng cao hiểu biết cho người dân để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Để làm được những điều này, trước hết cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu, tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu và nắm vững pháp luật để hướng dẫn, tư vấn, giải thích, thuyết phục và vận động Nhân dân chấp hành pháp luật; tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Cần đổi mới các hình thức PBGDPL cho phù hợp với đối tượng và địa bàn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, phong trào; xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục, kết hợp tuyên truyền pháp luật với xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận thông tin nói chung trong đó có thông tin về pháp luật, tăng cường tư vấn pháp luật trực tuyến, các chương trình đối thoại chính sách pháp luật.

Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trên địa bàn TP Hà Nội bằng hành động thiết thực, quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, một chính quyền thân thiện, giữ vững kỷ cương pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần