Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị: Thước đo là sự hài lòng của dân

Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng chính quyền TP theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ TP đến cơ sở.

Đó là mục tiêu và cũng là quyết tâm của TP với chủ đề được chọn trong năm 2018: "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". Yêu cầu, đòi hỏi cao, nên hơn ai hết, người đứng đầu các cấp, các ngành càng phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước những nhiệm vụ còn bộn bề trên con đường đi tới mục tiêu lớn của TP.
Rõ người, rõ trách nhiệm

Chủ đề năm nay gồm 7 nội dung cụ thể: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm thực hiện đầy đủ, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 30c của Chính phủ, Chương trình số 08 của Thành ủy.
Hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ TP đến cơ sở có thái độ giao tiếp, ứng xử chuẩn mực; có năng lực và tính chuyên nghiệp cao trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao trên tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân và sự phát triển của DN là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ; chú trọng kiểm tra chuyên đề, đột xuất. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xây dựng đô thị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Bám sát, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư; các cấp ủy đảng, vai trò của HĐND các cấp, phối hợp chặt chẽ với UB MTTQ, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của cộng đồng đối với hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền TP.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu:Phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc 

 

Đảng bộ, chính quyền Nhân dân quận Thanh Xuân đang tập trung cao xây dựng các kế hoạch để tổ chức thực hiện chủ đề công tác năm 2018 do Thành ủy, UBND TP lựa chọn. Đây là chủ đề hết sức thiết thực và có ý nghĩa to lớn với các lý do sau: Thứ nhất, năm 2018 là năm giữa nhiệm kỳ, rất nhiều nhiệm vụ cần được lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện để làm sao đạt hiệu quả cao nhất. Các chỉ tiêu, mục tiêu nào của cả nhiệm kỳ mà về đích sớm sẽ mang lại niềm vui cho Nhân dân ở lĩnh vực đó. Vì vậy, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện.

Thứ hai, qua thực tiễn công tác năm 2017 và những năm trước, có rất nhiều nhiệm vụ, nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bao gồm cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và quần chúng Nhân dân thì việc tổ chức thực hiện sẽ khó khăn. Do đó, việc nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống chính trị trong từng nhiệm vụ cần được đặt ra ở góc độ cao hơn.

Thứ ba, nâng cao năng lực và hiệu quả của cả hệ thống chính trị chính là việc thể hiện nhuần nhuyễn giữa việc lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức thực hiện của chính quyền và sự giám sát, phản biện của MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân, để các phương án, các biện pháp tổ chức thực hiện sớm đi vào thực tiễn.

Thứ tư, từ thực tiễn đặt ra, nếu chỉ có sự tổ chức thực hiện của chính quyền, không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì hiệu quả và sức lan tỏa không đạt được như mong muốn.

Thứ năm, việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của cấp ủy Đảng và chính quyền có được thành tựu kết quả đều mang lại niềm vui, phấn khởi chung cho toàn bộ Nhân dân và hệ thống chính trị. Do vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, tổ chức thực hiện của chính quyền cũng đi đến đích cuối cùng, đó là mang lại sự yên bình và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. (Hồng Thái ghi)

Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP chủ trì, chỉ đạo việc triển khai thực hiện kế hoạch, định kỳ báo cáo kết quả với Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy. Các sở, ban, ngành của TP, UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trước ngày 30/1/2018.

Ngay sau khi chủ đề năm được TP thông qua, nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã chủ động thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể. Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn cho biết, cùng với việc nâng cao chức năng quản lý trên mọi lĩnh vực, cải thiện môi trường đầu tư cho DN, quận sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát lãnh đạo UBND các phường và người đứng đầu các cơ quan chuyên môn. Đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức không hoàn thành chức trách được giao. Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu đề nghị TP cho phép luân chuyển, biệt phái cán bộ để đào tạo chuyên môn tốt hơn, nâng cao chất lượng cán bộ.

Rõ “vai” người đứng đầu

Với nhiều kết quả từ việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” và gần đây là “Năm kỷ cương hành chính 2017”, chắc chắn sẽ là kinh nghiệm quan trọng để triển khai hiệu quả chủ đề năm 2018. Trong đó, không thể không đề cập đến những hạn chế trong công tác quản lý, thực thi công vụ của một số ít cán bộ, công chức, nhưng lại khiến cả bộ máy “mang tiếng”. Đơn cử như vụ việc tại phường Văn Miếu (quận Đống Đa), cách ứng xử của cán bộ đã tạo nên dư luận xã hội không tốt.

Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, năm 2018, tất cả những hạn chế trên phải quy được về trách nhiệm của cá nhân để khắc phục. Từ lãnh đạo TP đến Bí thư, Chủ tịch các quận, huyện, thị xã phải xác định rõ trách nhiệm của mình, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tránh tình trạng chung chung rồi lại “hòa cả làng”. “Các xã, phường không khắc phục được những hạn chế ngay tại địa bàn mình quản lý, không huy động được sự đồng thuận cùng vào cuộc của người dân thì rất khó để TP giải quyết được việc chung” - Bí thư Thành ủy nói.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu các cấp, các ngành trong quá trình xây dựng kế hoạch, cần tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị TP bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện quy trình, quy chế, mối quan hệ công tác, bảo đảm vận hành thông suốt, tránh chồng chéo, trùng lắp. Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của TP, làm nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh. Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức tư tưởng tạo đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động.

Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chủ đề năm 2018 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, cần gắn với các nhiệm vụ cụ thể của địa phương, đơn vị. Có như vậy mới tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức, cán bộ, về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị của TP.

 

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn: Chú trọng kiểm tra, giám sát

Năm 2018 là năm bản lề kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 với chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị” vì vậy, trong năm 2018 quận Hoàn Kiếm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, xóa bỏ rào cản... tạo điều kiện cho DN, hộ kinh doanh phát triển. Đi liền với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.


 

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đào Ngọc Triệu: Tiếp xúc, đối thoại với dân nhiều hơn

Gắn với thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, Ban Dân vận Thành ủy đề nghị các cấp ủy có kế hoạch thực hiện Quy chế Tiếp xúc, đối thoại ngay từ đầu năm, tập trung đối thoại với những đối tượng như công nhân, học sinh, sinh viên; đối thoại gắn với thực hiện Nghị quyết số 15. Đặc biệt, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Quy chế, Ban Dân vận Thành ủy với nhiệm vụ được giao là đôn đốc, kiểm tra, giám sát sẽ tiếp tục gắn kết quả thực hiện của các cấp ủy với công tác thi đua, khen thưởng.


 

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt 10/10 Dương Văn Bình:Cần có cơ chế kiểm soát người thực thi công vụ

Năm 2017, Nhà nước, TP đã tập trung tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách cho DN, như điều kiện để DN qua được “cửa” xuất nhập khẩu, thuế, hải quan… nên đã giúp DN “dễ thở” hơn, thể hiện chủ trương chính sách của Nhà nước đã được quán triệt đến tận cơ sở. Song, trong khi có nhiều thông thoáng hơn ở lĩnh vực hoàn thuế, tài chính, ngân hàng thì tôi thấy DN lại bị kiểm soát quá chặt chẽ trong lĩnh vực y tế, sức khỏe, VSATTP, môi trường... Từ cấp bộ đến cấp TP, quận, huyện, thậm chí cấp xã cũng đánh giá về môi trường của DN, với đủ vấn đề. Chủ trương của Nhà nước là hạn chế kiểm tra DN, không kiểm tra trùng, nhưng thực tế, riêng về VSATTP, Dệt 10/10 mỗi năm đón 4 - 5 cuộc kiểm tra. Các quy định về vệ sinh, sức khỏe… cũng có những việc tự đặt ra “giấy phép con”.

Do đó, mong rằng trong năm 2018, việc tạo thuận lợi cho DN cần đẩy mạnh hơn. Điều này trước hết tùy thuộc vào những cán bộ công chức thừa hành các cơ chế chính sách. Có người vận dụng chính sách tạo thuận lợi cho DN, nhưng có người vận dụng cứng nhắc, nên những cơ chế chính sách cần được quán triệt trên một bộ tiêu chuẩn chung, để được thực thi hiệu quả. Tôi cũng cho rằng, “hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” trước tiên phải xuất phát từ từng cơ sở Đảng, có ý thức, trách nhiệm chính trị tốt, sẽ quán triệt cho mỗi đảng viên thực hiện tốt các quy định. Hơn nữa, dù cấp trên quán triệt tốt về chủ trương, nhưng không phải cấp dưới nào cũng thực thi tốt, nếu như không có cơ chế kiểm soát người thực thi công vụ, giúp sự chuyển biến đồng đều hơn. (Thùy Linh ghi)

 

Bí thư quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải: Tinh giản bộ máy đòi hỏi trình độ cán bộ ngày càng cao hơn

Trong điều kiện công việc ngày càng nhiều, biên chế ngày càng giảm, yêu cầu chất lượng đòi hỏi ngày càng cao hơn, do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, việc ứng dụng CNTT là giải pháp cần thiết giúp tăng năng suất làm việc, đảm bảo tính kịp thời mọi lúc, mọi nơi, tính chủ động về thời gian và không gian và đặc biệt là công khai, minh bạch, yếu tố rất quan trọng trong kiểm soát và đánh giá cán bộ.

Xác định công tác cán bộ là khâu then chốt trong đó đánh giá cán bộ có ý nghĩa quan trọng, trong thời gian qua, quận Long Biên đã tập trung thực hiện đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ với sự thống nhất cao của tập thể BCH, BTV Quận ủy; quá trình thực hiện được bàn bạc, thảo luận công khai dân chủ từ cơ sở và thống nhất thực hiện trong cả hệ thống chính trị (Quận ủy – HĐND – UBND – MTTQ và các đoàn thể chính trị của quận, phường). Việc đánh giá đúng cán bộ, công chức tạo động lực làm việc, nâng cao tính tự giác, tính chuyên nghiệp, luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao ở mức độ cao nhất của mỗi cán bộ, công chức. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để quận triển khai chủ đề năm 2018 "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". (Thế Dương ghi)
 

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh: Cán bộ phải sáng tạo, tâm huyết, say mê công việc

Đây là thời cơ để quận Cầu Giấy thể hiện tính hiệu quả, trách nhiệm vượt trội trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Bởi thực hiện tốt chủ đề của năm 2018 sẽ góp phần thiết thực xây dựng rõ nét hình ảnh một quận Cầu Giấy “đoàn kết, năng động, sáng tạo, hiệu quả”, một Cầu Giấy trật tự, nền nếp, thân thiện… sau 20 năm hình thành và phát triển.

Và để hoàn thành được mục tiêu này, đòi hỏi toàn bộ Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của quận phải thực sự chủ động, không được chủ quan, đoàn kết, một lòng vì nhiệm vụ chung. Năng động sáng tạo hơn, tâm huyết, say mê với công việc. Lấy phục vụ tốt cho Nhân dân, phục vụ hiệu quả cho DN là niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm tự hào của cả quận, của từng tập thể và từng cá nhân. Lấy sự hài lòng của người dân, DN là thước đo hiệu quả công việc. (Công Trình ghi)
 

Chủ tịch UBND phường Bách Khoa Nguyễn Văn Khang: Xác định rõ mục tiêu “phục vụ” và “dịch vụ”

Năm 2018, thực hiện chủ đề “nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, trong đó, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ, UBND phường xác định cả mục tiêu “phục vụ” và “dịch vụ”, đảm bảo người dân được chăm sóc tốt. Đồng thời sẽ chú trọng nâng cao đạo đức, kỷ luật công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân, chúng tôi sẽ không ngừng đổi mới hình thức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Mọi cán bộ, công chức được quán triệt rõ: Người dân đến giải quyết TTHC cần được phục vụ nhanh nhất, trả kết quả ngay trong buổi; trừ trường hợp bất đắc dĩ mới phải hẹn sang ngày khác.

Trong thực hiện chủ đề năm, chúng tôi cũng mong các cơ chế chính sách sát cơ sở hơn. Như trước đây, quận, phường được chủ động vệ sinh nạo vét cống rãnh, khi người dân phản ánh thì chúng tôi giải quyết được chỉ sau 1 - 2 ngày; nhưng nay phải thông qua các đơn vị TP, nhiều khi kéo dài cả năm. Trong khi ở phường rất đông sinh viên, xả nhiều rác, hay làm tắc cống. Hoặc trong chiếu sáng ngõ ngách, trước đây phân cấp cho phường thì giờ giao TP quản lý, nên dù một bóng đèn bị cháy trên địa bàn, cũng phải làm công văn. Tại phường có dự án Nam Đại Cồ Việt kéo dài, gây nhiều bức xúc; UBND TP đã yêu cầu các sở, ngành sớm tách một số lô đất ra khỏi dự án để người dân được cấp “sổ đỏ”. Song, chúng tôi chưa thấy sở, ngành quyết liệt triển khai chỉ đạo này. Nên, rất mong TP điều tiết, phân cấp hợp lý, quan tâm để những bức xúc của người dân được giải quyết nhanh nhất, cũng giúp phường xử lý công việc nhanh chóng. (Linh Chi ghi)
 

Phó Trưởng Phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lưu Xuân Trịch: Mức độ hài lòng của người dân ngày càng tăng

Với việc quan tâm công tác kiểm tra đã góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức. Chính vì thế mức độ hài lòng của người dân về giải quyết TTHC ngày càng nâng cao. Trong bối cảnh đông trên 33 vạn dân, lượng hồ sơ hành chính hàng ngày rất lớn, kết quả đó ghi nhận nỗ lực cao của quận. Để siết chặt hơn kỷ cương hành chính, quận đã xây dựng và vừa ban hành “Chỉ số đánh giá kết quả CCHC” của 12 cơ quan chuyên môn và 20 phường; là một trong ít quận, huyện đã tiến hành nội dung này, giúp người dân được tham gia đánh giá cơ quan Nhà nước. (Linh Thùy ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần