Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ mới

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/12, Hội thảo “Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào phát triển của đất nước” đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo diễn ra nhân kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao, nhằm điểm lại gần nửa thế kỷ công tác ngoại giao kinh tế phát triển, đồng hành cùng với tiến trình của đất nước.

Tham dự sự kiện có ông Phạm Gia Khiêm - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Vũ Khoan - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng các lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các đồng chí cán bộ lão thành qua các thời kỳ…

Quang cảnh Hội thảo sáng 7/12.

Trọng tâm chính sách đối ngoại
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Đảng và Nhà nước ta, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, đã sớm xác định phát triển kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách đối ngoại của nước ta. Trong giai đoạn đất nước còn chia cắt, các Hội nghị Ngoại giao lần thứ 9 (năm 1970) và lần thứ 10 (năm 1971) đã đưa ra những nhận định mang tính chiến lược là Bộ Ngoại giao cần nghiên cứu mô hình kinh tế của các nước, thu thập tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước trên thế giới ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Những nhận thức và tầm nhìn nêu trên là tiền đề vững chắc cho quá trình hình thành và phát triển công tác ngoại giao kinh tế với nhiều thành tựu quan trọng sau này.
Công tác ngoại giao kinh tế đã thực sự có những đóng góp thiết thực và hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Cho đến nay, ngành Ngoại giao đã góp phần thiết lập quan hệ thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng, đóng góp vào việc tăng kim ngạch thương mại từ 2,9 tỷ USD vào năm 1986 lên trên 500 tỷ USD vào năm 2019.
Bộ Ngoại giao cũng tích cực vận động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác hàng đầu trên thế giới, góp phần đưa FDI tăng từ 1,6 triệu USD (năm 1986) lên 38 tỷ USD vào năm 2019. Thông qua vận động chính trị-ngoại giao, các đối tác phát triển lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu… cũng đã dành cho Việt Nam nhiều dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong các lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục…, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tại Hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá Bộ Ngoại giao có thế mạnh lớn với mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài rộng lớn, là những “ăng-ten” quan trọng thông tin về tình hình kinh tế chính trị trên thế giới, tham mưu các chính sách chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho Đảng và Nhà nước từ những buổi đầu độc lập cho đến nay. Đặc biệt, vai trò của Bộ Ngoại giao trong phát triển kinh tế đất nước tiếp tục được nhấn mạnh tại các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Theo nguyên Phó Thủ tướng, trong giai đoạn tới, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục phát huy thế mạnh của các “ăng-ten toàn cầu”, tiếp tục xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đẩy mạnh ngoại giao về khoa học công nghệ và ngoại giao giáo dục.
Bắt kịp xu hướng 4.0
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, ngoại giao kinh tế cũng đã chủ động và tích cực xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, phát triển qua việc tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa ở trong và ngoài nước, đa dạng và phong phú về hình thức, chủ đề, quy mô và đối tượng. thông qua đó  thúc đẩy quá trình hội nhập của đất nước qua việc làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, tạo đan xen lợi ích, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Bộ Ngoại giao cũng tích cực tham gia vận động, đàm phán, ký kết và đưa vào thực thi 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác then chốt, trong đó có các FTA thế hệ mới và quan trọng như CPTPP, EVFTA, RCEP, mang lại nhiều cơ hội to lớn về thương mại, đầu tư, công nghệ, lao động cho đất nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện đang tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường với những biến động mạnh mẽ, cạnh tranh chiến lược gia tăng, đại dịch Covid-19, xu hướng chuyển dịch đầu tư và chuỗi sản xuất, cung ứng…, đất nước ta cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới và thời kỳ mới của hội nhập quốc tế. Điều này đặt ra cho ngành ngoại giao cả những thách thức và cơ hội mới, đồng thời đòi hỏi công tác ngoại giao kinh tế tới đây sẽ phải đổi mới mạnh mẽ về cách làm để đáp ứng được tình hình mới và tiếp tục nâng cao hiệu quả.
Với sự dẫn dắt thảo luận của Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo, đại diện một số Bộ ngành kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương), đại diện lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, đã tích cực thảo luận, chia sẻ những ý kiến thực chất về những vấn đề, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhận định, công tác nghiên cứu của ngành Ngoại giao cần phải được nâng cao, không chỉ cung cấp thông tin thô mà chú trọng thông tin đã qua xử lý và có nghiên cứu. Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành nhận định trong thời gian tới, có hai đột phát là khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Do đó, cần phát huy vai trò của các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện, phải là “đôi mắt, đôi tai” của nước ta ở nước ngoài.
Về thu hút FDI, cần chú trọng thu hút đầu tư công nghệ cao, khuyến khích chuyển giao công nghệ; về thương mại, cần triển khai và tích cực khai thác các hiệp định FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP... Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần cung cấp thông tin, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng như Hiệp hội xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã đề xuất các nhu cầu cần Bộ Ngoại giao hỗ trợ trong thời gian tới, đặc biệt là công tác thông tin cho các địa phương và doanh nghiệp về điều chỉnh chính sách của các địa bàn, nhu cầu hợp tác của địa phương và doanh nghiệp nước ngoài, cũng như vận động hành lang, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các ngành và các doanh nghiệp...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, với tầm quan trọng và những đóng góp thực chất, công tác ngoại giao kinh tế cần được đẩy mạnh. Bộ Ngoại giao cần nghiên cứu các nội hàm mới, các cơ chế hợp mới, tạo sức mạnh tổng thể của đất nước; tận dụng mạng lưới quan hệ và hệ thống các FTA rộng lớn để thúc đẩy thu hút FDI chất lượng cao, khai thác hiệu quả các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, hỗ trợ thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại.
Về cách làm, cần đổi mới hình thức, quy mô, cách thức triển khai công tác ngoại giao kinh tế, đảm bảo các hoạt động được triển khai hiệu quả, thực chất... bám sát thực tiễn, nhu cầu phát triển của địa phương và doanh nghiệp; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng những công nghệ mới, tận dụng khả năng lan toả nhanh của các sản phẩm quảng bá trên nền tảng internet để nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ CMCN 4.0. Cuối cùng, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục đầu tư, đào tạo về ngoại giao kinh tế cho cán bộ, đội ngũ cán bộ ngoại giao, có khả năng thích nghi nhanh với bối cảnh và tình hình mới, và mở rộng, hỗ trợ cho các Bộ, ngành trong công tác đào tạo.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp, góp phần giới thiệu những thành tựu, đóng góp quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế đối với công cuộc phát triển đất nước trong gần 35 năm qua; gợi mở ra những hướng đi và nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới. Hội thảo là một trong nhiều hoạt động của chuỗi các sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao trong năm 2020.