Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao hiệu quả công tác pháp chế

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một thực tế được Bộ Tư pháp chỉ ra là hiện nay, một số địa phương đã sử dụng biên chế làm công tác pháp chế để tuyển dụng vị trí việc làm khác và giao cán bộ khác kiêm nhiệm làm công tác pháp chế. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác pháp chế.

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, các bộ, ngành có 4.377 người làm công tác pháp chế (1.455 người chuyên trách), tăng 1.669 người so với năm 2016. Ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có 2.138 người làm công tác pháp chế (593 người chuyên trách). Một số bộ, ngành đã quan tâm bổ sung biên chế cho các tổ chức pháp chế, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ TT&TT.
Hội nghị đối thoại ngành tư pháp được Bộ Tư pháp đã tổ chức tại Hà Nội.
Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, công tác pháp chế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống tổ chức pháp chế từng bước được kiện toàn, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế cũng ngày càng lớn mạnh, góp phần tích cực vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, do đội ngũ làm công tác pháp chế ở một số nơi còn ít nên thực tế hiện nay, một số địa phương đã sử dụng biên chế làm công tác pháp chế để tuyển dụng vị trí việc làm khác và giao cán bộ khác kiêm nhiệm làm công tác pháp chế. Như vậy là không đúng với quy định của Nghị định 55/2011/NĐ-CP. Về việc này, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để kiểm tra việc tuyển dụng, bố trí biên chế làm công tác pháp chế để có giải pháp phù hợp. Bộ Tư pháp cũng lưu ý, đối với công tác pháp chế ở các bộ, ngành, trước hết cần phải được thực hiện đúng quy định của Nghị định 55/2011/NĐ-CP và các văn bản khác liên quan đến công tác này. Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục duy trì tổ chức pháp chế. Đồng thời, căn cứ tình hình cụ thể của mỗi bộ, ngành để sắp xếp, bố trí, ổn định đội ngũ cán bộ bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đối với các DN Nhà nước, căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, lãnh đạo DN quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí nhân viên làm công tác pháp chế chuyên trách.

Về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác pháp chế, Bộ Tư pháp đã có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn tổ chức pháp chế và nhân lực làm công tác pháp chế, tiếp tục duy trì các phòng pháp chế... Trong khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các địa phương không sử dụng biên chế cho các vị trí việc làm khác; không tuyển dụng người không đủ tiêu chuẩn làm cán bộ pháp chế; không bố trí những người không có năng lực làm công tác pháp chế; tăng cường năng lực cho cán bộ pháp chế.

Riêng về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành đưa ra nhiều giải pháp như ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quy định mới, điều chỉnh tăng mức kinh phí chi cho một số hoạt động liên quan đến công tác pháp chế. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với bộ, ngành có liên quan nghiên cứu các điều kiện bảo đảm, trong đó có chế độ ưu đãi đối với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế để bảo đảm phù hợp với quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.