TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, mục tiêu của đề tài là làm rõ những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về giám sát của các cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND) đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội. Đánh giá thực trạng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử ở Việt Nam hiện nay, nêu rõ kết quả, hạn chế, bất cập và nguyên nhân. Đồng thời, đề xuất quan điểm, giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử.
TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ nhiệm Đề tài phát biểu tại hội thảo. |
Tạ Hà Nội, đến nay, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng từ 273.322 tỷ đồng năm 2008 lên 519.568 tỷ đồng năm 2017 (gấp 1,9 lần); GDP/người tăng từ 1.697USD lên 3.910 USD (gấp 2,3 lần); thu nhập của người nông dân đã tăng từ 13 triệu đồng lên 38 triệu đồng/năm (gấp 2,92 lần); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,43% xuống còn 1,69% (giảm 6,74% theo chuẩn nghèo đa chiều). Những năm qua, chính quyền TP Hà Nội đã coi trọng thực hiện chính sách pháp luật về ASXH và tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về ASXH đối với người dân trên địa bàn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức triển khai hoạt động giám sát về an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn TP. Những bất cập về công cụ pháp lý hiện hành phục vụ giám sát. Trọng tâm, trọng điểm các nội dung và tổ chức thực hiện giám sát, tránh tình trạng trùng chéo, gây khó khăn cho hoạt động của các đối tượng giám sát và người dân…
Tại hội thảo, Phó Trưởng đoàn, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Bùi Huyền Mai khẳng định: Từ năm 2011 đến nay, hoạt động giám sát, khảo sát của đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã bám sát chương trình, kế hoạch đề ra, đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Hoạt động giám sát về thực hiện các chính sách pháp luật về lao động, việc làm và giảm nghèo, thực thi chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, các chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội, về giáo dục đào tạo, y tế, nhà ở, nước sạch và đảm bảo thông tin... đã được Quốc hội và HĐND các tỉnh TP tiến hành, góp phần đưa chính sách pháp luật về ASXH ngày càng đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, hệ thống an sinh xã hội rất rộng, đa dạng, trong khi TP Hà Nội có diện tích lớn với mật độ dân cư đông đúc nên việc xác định đúng đối tượng và phạm vi hoạt động giám sát còn hạn chế.
Để hoạt động giám sát đạt hiệu quả thiết thực, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội kiến nghị cần ban hành quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện các kết luận giám sát, các kiến nghị giám sát, khảo sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đoàn ĐBQH và ĐBQH; quy định trình tự, thủ tục “tái giám sát” là bắt buộc trong hoạt động giám sát. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về thẩm quyền, trách nhiệm của ĐBQH trong hoạt động giám sát; quy trình giám sát và kỹ năng thực hiện quyền giám sát cho các ĐBQH và cán bộ, chuyên viên văn phòng đoàn ĐBQH…
Ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam. |
Cũng tại hội thảo, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương cho biết, hàng năm, Ban Văn hóa Xã hội có thành lập các đoàn giám sát, khảo sát theo chủ đề và tập trung vào các nội dung có trọng tâm, trọng điểm tới các đơn vị. Trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều tồn tại. Qua đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát việc tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp. Đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống chính sách pháp luật an sinh xã hội đồng bộ…
Phát biểu tại hội thảo, TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đồng thời cho biết, trong quá trình thực hiện đề tài đã được tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học tại 6 địa phương trong cả nước. Qua các ý kiến, lắng nghe trao đổi, báo cáo kinh nghiệm của địa phương đã giúp cho Ban chủ nhiệm đề tài bổ sung, hoàn chỉnh đề tài nhanh và hiệu quả hơn.