Nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế trong bối cảnh mới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh mới”, với sự đồng hành của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, với triển vọng xấu đi rất nhanh. Trong bối cảnh ấy, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng. Tốc độ tăng GDP suy giảm còn 3,82% trong quý I, và 0,36% trong quý II (so với cùng kỳ năm 2019). Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 1,81%%, thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng GDP cao hơn so với các nước ở khu vực Châu Á.

Toàn cảnh hội thảo.

Chính phủ cũng đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, kích thích phục hồi kinh tế. Những chỉ đạo, giải pháp cho đến nay - như Chỉ thị 11, Nghị định 41, Nghị quyết 42, Nghị quyết 84, là rất phù hợp và được đánh giá tích cực. Dư địa điều hành tài khóa và tiền tệ vẫn còn để có thể ứng phó với các kịch bản kinh tế trong thời gian tới. So với nhiều năm trước, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã thể hiện sức chống chịu tốt hơn rất nhiều.

Dù vậy, theo Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Những khó khăn này cũng ảnh hưởng đáng kể đến tình hình lao động - việc làm trong 6 tháng đầu năm 2020. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, đến giữa tháng 4 năm 2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch và tác động của dịch Covid-19, gây nên thiệt hại đối với người lao động dễ bị tổn thương và lao động nữ. Tỷ lệ thất nghiệp chung tăng lên 2,73% trong quý II.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban, Ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng, diễn biến kinh tế 6 tháng cuối năm 2020 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như kinh tế thế giới còn rất bất định, đặc biệt là khả năng bùng phát lần thứ hai của dịch Covid-19.

Việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu; căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn. Mặc dù kỳ vọng nhiều tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ… ở một số thị trường và mức độ thích ứng của DN đối với thị trường trong nước, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

“Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô, và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế xử lý hiệu quả những rủi ro - đặc biệt gắn với Covid-19, trong bối cảnh “bình thường mới”, bà Minh bày tỏ.

Cũng tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM thông tin thêm những điểm cải cách mới của Luật Doanh nghiệp 2020, trong đó chỉ rõ: Luật được soạn thảo trên nguyên tắc và mục tiêu nhằm nâng cao khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp, để đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực cũng như quốc tế.

Cũng theo ông Hiếu, Luật Doanh nghiệp 2020 có 5 thay đổi quan trọng, tác động tích cực đến thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư: Cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; nâng cao khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến; nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.

“Có thể thấy, với việc tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000 - 2005 - 2014, trong hiện thực hoá đầy đủ quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ cải thiện mạnh mẽ chất lượng quản trị nói riêng và doanh nghiệp nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Phan Đức Hiếu nói.