Nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên phụ nữ ở Thường Tín: Những hiệu ứng tích cực

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ trương đưa luật vào đời sống hội viên, các cấp Hội Phụ nữ huyện Thường Tín không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trong đó đặc biệt chú trọng kỹ năng tư vấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Trao đổi về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho phụ nữ, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Thường Tín Bùi Thành Công cho biết, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, đề án, chương trình PBGDPL cho phụ nữ; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về “Luật Phòng cháy chữa cháy”, “Bộ luật Dân sự năm 2015”, “Chương trình phòng, chống mua, bán người năm 2017”... Các hình thức tuyên truyền, PBGDPL được lựa chọn và thực hiện phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể. Do đó, công tác PBGDPL cho phụ nữ trên địa bàn huyện đã mang lại những kết quả tích cực.

Hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ huyện Thường Tín. Ảnh: Thảo Trần

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật của phụ nữ vẫn diễn ra, thậm chí có chiều hướng gia tăng, phức tạp cả về số lượng và tính chất vụ việc. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực như: ATGT, bạo lực gia đình, vi phạm các quy định về hộ tịch, hôn nhân gia đình, hình sự... Việc phụ nữ vi phạm pháp luật hình sự, lôi kéo, dụ dỗ người khác phạm tội thực sự đang là lo lắng của toàn xã hội. Vì vậy, công tác tuyên truyền PBGDPL cho phụ nữ trên địa bàn là cần thiết và phù hợp với chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cũng theo ông Công, để giúp phụ nữ nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật và biết vận dụng những kiến thức pháp luật vào cuộc sống thường ngày, giảm bớt các tranh chấp, các khiếu kiện liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, nội dung tuyên truyền PBGDPL tập trung về các lĩnh vực thiết thực với phụ nữ như: Hôn nhân gia đình, dân sự, lao động, khiếu nại, tố cáo...
Về nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho phụ nữ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thường Tín Trần Hồng Hạnh chia sẻ, các cấp Hội LHPN trong huyện đã PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho trên 40.000 hội viên phụ nữ cơ sở. Đầu năm 2017, Hội LHPN huyện thành lập 2 Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật. Duy trì và nâng cao hiệu quả của 216 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng do phụ nữ là chủ nhiệm các câu lạc bộ nhằm hỗ trợ những trường hợp mâu thuẫn gia đình hay những trường hợp tạm lánh, tạm trú, tạm vắng khi có bạo lực gia đình xảy ra. Theo đó, mỗi chi hội có một địa chỉ tin cậy.
Đồng thời, Hội Phụ nữ huyện thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí, trực tiếp tuyên truyền PBGDPL cho phụ nữ tại các xã. Ngoài ra, Hội còn xây dựng mô hình câu lạc bộ không thách cưới, gia đình 5 không, 3 sạch… ở các thôn để tuyên truyền, vận động chị em từ bỏ những hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, theo quy định của Luật Hôn nhân - Gia đình. Năm nay, Huyện hội chú trọng tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em bằng cách đưa nội dung này về các nhà trường học, các cơ sở. Hay phối hợp với Đoàn thanh niên, Trung tâm Dân số tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe vị thành niên cho các trường học. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, Hội chưa phải giải quyết đơn thư liên quan đến bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình. 
Từ nay đến cuối năm, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội, Trung tâm Trợ giúp pháp lý mở 5 lớp tập huấn lồng ghép với tuyên truyền PBGDPL cho phụ nữ. Đặc biệt, tới đây, huyện hội chỉ đạo Hội LHPN xã Văn Tự thành lập Tổ phụ nữ nòng cốt tuyên truyền, vận động phụ nữ và Nhân dân chấp hành pháp luật tại cộng đồng. Đây là một trong những tổ đầu tiên của Huyện hội, sau đó sẽ nhân rộng tại các cơ sở khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần