Nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức các trường chính trị

An Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, TP trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 - 2030 (Đề án).

Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp mẫu mực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có năng lực sư phạm, phong cách làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn đến năm 2025, đội ngũ giảng viên có cơ cấu 4 độ tuổi, bảo đảm sự kế thừa liên tục: Dưới 40 tuổi chiếm 15%, từ 40 - 50 tuổi chiếm 35 - 40%, từ 50 - 60 tuổi chiếm 35 - 40%, trên 60 tuổi chiếm 5 - 10%.

Giai đoạn đến năm 2030, giảng viên chiếm tỷ lệ tối thiểu 65% công chức, viên chức trong từng đơn vị trực thuộc Học viện và mỗi trường chính trị cấp tỉnh; tối thiểu 70% trở lên giảng viên được chuẩn hóa, có trình độ chuyên môn phù hợp với chức danh, vị trí việc làm. Tối thiểu 50% cán bộ khoa học dưới 40 tuổi sử dụng trực tiếp ngoại ngữ (tiếng Anh) trong nghiên cứu, giảng dạy; đủ giảng viên thành thạo tiếng Lào trực tiếp dịch, tham gia đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Mỗi trường chính trị cấp tỉnh có 5 tiến sĩ trở lên, 70% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên.

Đến năm 2030, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý tiên tiến; có khả năng tổ chức, quản lý, điều hành hiệu quả các hoạt động của Học viện, trường chính trị cấp tỉnh, nhất là quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Giải pháp để thực hiện Đề án là khảo sát, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về năng lực, trình độ, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh; xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ; xây dựng, ban hành kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế với lộ trình, giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện. Thực hiện hiệu quả công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, thực hiện tuyển dụng, bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ, giảng viên, ưu tiên đối tượng trẻ, tài năng, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện đại đối với công chức, viên chức, phù hợp với từng nhóm đối tượng; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; tăng cường công tác luân chuyển, biệt phái và đi thực tế; tổ chức tổng kết và tham gia tổng kết thực tiễn theo chuyên đề;...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần