Nâng cao nhận thức về hành vi đội mũ bảo hiểm cho trẻ em với “Hành trang an toàn”

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là dự án do Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (Quỹ AIP) thực hiện, với sự tài trợ của Quỹ UPS từ năm 2017.

Dự án “Hành trang an toàn” được Quỹ AIP thực hiện tại Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, với sự tài trợ kinh phí của Quỹ UPS. Dự án hướng tới giảm thương vong và tử vong cho người sử dụng xe gắn máy thông qua tác động đến nhóm thanh niên, và cải thiện hành vi của họ khi lái xe, đồng thời gia tăng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở trẻ em.
Dự án “Hành trang an toàn” đã trao tặng 10.942 mũ bảo hiểm tới các em học sinh, giáo viên, phụ huynh, nạn nhân tai nạn giao thông và gia đình trong năm học 2019 - 2020.         
Năm 2020, dự án “Hành trang an toàn” tiếp tục được thực hiện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thái Nguyên. Trong thời gian tới, dự án sẽ thực hiện một loạt chiến dịch truyền thông  bao gồm lắp đặt hệ thống pano tuyên truyền, tổ chức cuộc thi ảnh và chiếu phim tuyên truyền trên địa bàn các trường tiểu học và bệnh viện tại 3 địa phương này nhằm nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm đúng cách.
 Dự án đã trao tặng 10.942 mũ bảo hiểm tới các em học sinh, giáo viên, phụ huynh, nạn nhân tai nạn giao thông và gia đình trong năm học 2019 - 2020
Bên cạnh đó, cuộc thi ảnh “Hành trang an toàn” sẽ được tổ chức tại 18 trường tham gia dự án trong thời gian từ ngày 11/6 đến 30/6. Đến với cuộc thi này, các em học sinh được khuyến khích tự do sáng tạo ý tưởng với bạn bè cùng lớp. Các tình nguyện viên của Quỹ UPS cũng được khuyến khích tham gia cuộc thi này với ảnh chụp cùng thành viên gia đình mình.
Đây là cơ hội để học sinh cùng nhau suy nghĩ về vấn đề an toàn đường bộ. Các bức ảnh dự thi sẽ được chia sẻ rộng rãi thông qua các kênh truyền thông của Quỹ AIP, thu hút sự quan tâm của người dân Việt Nam và các nước khác trên thế giới. 
Ông Russell Reed - Giám đốc điều hành công ty UPS tại Việt Nam và Thái Lan cho biết, cuộc thi ảnh “Hành trang an toàn”  có thể giúp các em học sinh hào hứng tham gia chụp ảnh sáng tạo với chủ đề an toàn đường bộ. “Lứa tuổi này rất phù hợp để giáo dục và hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn. Hi vọng cuộc thi ảnh lần này cùng các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức khác, sẽ góp phần cải thiện hành vi tham gia giao thông an toàn trong cộng đồng nơi mà công ty chúng tôi đang hoạt động” – ông Russell Reed nói.
Đồng quan điểm trên, ông Tân Hoàng Long - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Chúng tôi đã và đang nhìn thấy việc thay đổi hành vi bắt đầu từ những gia đình. Chúng tôi ủng hộ việc tuyên truyền qua hệ thống pano để nhắc nhở quý phụ huynh và cộng đồng về vai trò hình mẫu của họ đối với trẻ nhỏ,  giúp trẻ xây dựng hành vi tham gia giao thông an toàn”.
Được biết, việc lựa chon các trường tham gia dự án dựa trên một số tiêu chí về mức độ nguy hiểm khi học sinh tới trường, bao gồm yếu tố đường xá rộng hay chật, giao thông có đông đúc hay không. Đối với  các trường tại TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm trước khi có hoạt động can thiệp của dự án chỉ đạt 23%. Tỷ lệ này đã tăng lên đến 77% khi trường tham gia dự án. Ở Thái Nguyên, tỉ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm trước và sau khi dự án can thiệp là 27% và 80%.

Chúng tôi ưu tiên việc đảm bảo rằng thông điệp chúng tôi gửi đến cộng đồng, dù đối tượng là bệnh nhân tại các bệnh viện, học sinh, phụ huynh hay giáo viên/cán bộ nhà trường, đều thống nhất và xuyên suốt. Tất cả sẽ được nhắc nhở liên tục về hành vi tham gia giao thông an toàn để họ mãi ghi nhớ rằng mũ bảo hiểm có thể giúp bảo vệ tính mạng con người. 

Tổng Giám đốc điều hành Quỹ AIP Mirjam Sidik