Nâng cao trách nhiệm công vụ

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc học tập và làm theo tấm gương của Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức có ý nghĩa hết sức to lớn. Qua đó, từng tập thể, cá nhân đã dần khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nâng cao hơn trách nhiệm công vụ để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn…

 Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải

Lan tỏa và nhân rộng
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, đạo đức công vụ không phải tự thân mà có, mà mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện. Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Bác cũng luôn căn dặn, nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng, bí mật...
Tại Hà Nội, thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh được gắn với chủ đề công tác “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Trong đó, với mục tiêu lấy người dân và DN làm trọng tâm để phục vụ, tất cả hệ thống bộ máy chính trị của TP đã quyết tâm thực hiện việc tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng. Đồng thời, lấy đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra các tầng lớp Nhân dân, bằng những giải pháp cụ thể, các cấp, các ngành của TP Hà Nội đã tạo được chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực công tác.
Nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc rút ra qua quá trình thực hiện như tại quận Long Biên, một trong những kinh nghiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị mà quận đã thực hiện hiệu quả là chấm dứt luân chuyển cán bộ từ phường yếu lên công tác ở quận; kiên quyết không bổ nhiệm lại cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ từ phường đến quận không ngừng được nâng lên. Bên cạnh đó, hàng loạt những bài học kinh nghiệm quan trọng khác như việc tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc TP đã thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan TP Hà Nội”; tổ chức thực hiện hệ thống lập kế hoạch và đánh giá định kỳ (tuần, tháng, quý, năm) tới từng cá nhân theo vị trí việc làm; xây dựng bộ chỉ số đánh giá cải cách hành chính cấp xã, cấp phòng; tổ chức các phiên giải trình của HĐND các cấp...
Công tác kiểm tra, giám sát cũng được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chú trọng. Năm 2018, các đoàn kiểm tra công vụ của UBND TP đã phát hiện năm trường hợp vi phạm quy định. Năm 2018, toàn TP có 277 cán bộ, công chức vi phạm chính sách, pháp luật và quy tắc ứng xử bị kỷ luật. Năm 2019, các đoàn kiểm tra của UBND TP cũng đã phát hiện 10 trường hợp vi phạm.
Sự hài lòng là thước đo
Việc chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ, toàn diện, nhất là đổi mới quy chế làm việc, quy trình công tác; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đổi mới công tác cán bộ, đánh giá kết quả công tác theo tháng và đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm... cũng góp phần nâng cao trách nhiệm công vụ.
Hà Nội cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP. Với việc đánh giá đa chiều, liên tục và lượng hóa được kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng gắn với kết quả công tác của từng bộ phận, cơ quan, đơn vị đã giúp phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng; tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng địa phương, đơn vị.
TP cũng quyết liệt chỉ đạo với tinh thần lấy sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo trong công tác cải cách hành chính. Năm 2019, TP đã ban hành 25 quyết định công bố thủ tục hành chính, trong đó bãi bỏ 914 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 43 thủ tục; đơn giản hóa 71 thủ tục hành chính... Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của TP đạt gần 80%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2018 đạt 83%, tăng 16 bậc so với năm 2017, sớm hơn hai năm so với chỉ tiêu đặt ra.
Những kết quả ấy thể hiện rõ nét việc học tập và làm theo Bác, đồng thời cũng là tiền đề để TP Hà Nội hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng của năm 2020 và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần