Nâng cao văn hóa từ thư viện thôn

Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Xã Văn Bình, huyện Thường Tín được coi là một trong những mô hình điểm của toàn TP về xây dựng thư viện thôn xóm, góp phần khơi dậy văn hóa đọc và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Đến thư viện thôn Bình Vọng vào một buổi chiều thứ Sáu, không khí yên bình của làng quê tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Bé Lê Thị Thu Huyền, học sinh lớp 4 đang chăm chú cùng đám bạn đọc sách bên quầy sách thiếu nhi. Huyền chia sẻ, hầu như buổi chiều nào, nếu có thời gian là em lại ra thư viện thôn để đọc sách. Ngoài các sách giáo khoa trong chương trình phổ thông, em còn tìm đọc các sách, truyện thiếu nhi và kiến thức xã hội. “Thư viện thôn như một lớp học thứ hai để bọn em học tập, mở mang kiến thức” - Huyền chia sẻ.

Thư viện Bình Vọng thu hút đông đảo người dân đến đọc sách báo. Ảnh: Quang Thiện

Dù khuôn viên hạn hẹp, chỉ gần 30m2, nhưng phòng quản lý sách báo của thư viện thôn Bình Vọng được sắp xếp, bài trí khá ngăn nắp thành từng kệ, dãy theo từng chủ đề như sách văn học, sách viết về Bác Hồ, sách thiếu nhi… Những cuốn sách cũ được phân loại, giữ nếp phẳng phiu cho thấy sự nâng niu, chu đáo của đội ngũ cán bộ quản lý, thủ thư của thư viện. Bà Dương Thị Lộ, xóm 10, thôn Bình Vọng, một cán bộ giáo dục về hưu đã tự nguyện ra làm thủ thư ở thư viện Bình Vọng nhiều năm chia sẻ, công việc hàng ngày là kiểm tra, sắp xếp lại các đầu mục sách và vào sổ tiếp nhận sách khi có nguồn. Dù làm không công, nhưng bà Lộ luôn cảm thấy vui vẻ vì góp phần nâng cao tri thức cho người dân trong thôn. Được biết, hiện nay, thư viện Bình Vọng đang cấp hơn 500 thẻ bạn đọc cho các đối tượng thanh niên, học sinh. Với những người cao tuổi thì được mượn, sách báo không cần thẻ, chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân.
Thư viện thôn Bình Vọng được xây dựng trên cơ sở tủ sách làng Bình Vọng ra đời từ đầu năm 1999 với mong muốn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, góp phần xây dựng làng văn hóa. Thực hiện phương châm xã hội hóa, lãnh đạo thôn đã động viên Nhân dân dành một phần sách, báo của gia đình để xây dựng thư viện chung. Từ chỗ ngày đầu chỉ có 300 đầu sách và một số tạp chí do Nhân dân tặng, đến nay, số đầu sách của thư viện đã tăng lên trên 10.000 cuốn, cùng 5 tờ báo hàng ngày phục vụ bạn đọc. Sách trong thư viện chủ yếu là các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thiếu nhi, pháp luật… Ngoài số sách trên, hàng năm, thư viện thôn còn được Thư viện Hà Nội cho mượn luân chuyển từ 250 - 350 bản sách, góp phần nâng cao chất lượng sách phục vụ bạn đọc.
Với 118 cộng tác viên và trên 500 thanh thiếu niên, thư viện Bình Vọng hiện đang duy trì số bạn đọc thường xuyên trên 600 người. Bình quân mỗi tháng có từ 1.200 - 1.500 lượt bạn đọc đến thư viện đọc và mượn sách báo, trong đó có 40% là học sinh, 50% là người cao tuổi. Hoạt động của thư viện đã góp phần quan trọng khơi nguồn văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập ở nông thôn, tạo động lực cho các em nhỏ phát huy truyền thống hiếu học của quê hương. Tuy nhiên, theo ông Lương Văn Tăng - Chủ nhiệm thư viện Bình Vọng, hiện nay, số sách của thư viện còn chưa mang tính chuyên sâu và hệ thống. Một số loại sách về thiếu nhi, chính trị, pháp luật chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc và cơ sở vật chất cũng còn nhiều hạn chế. Do đó, ông Tăng kiến nghị huyện, TP hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường số đầu sách, báo để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.