Nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hầm, nhà trông giữ xe ở nhiều chung cư cũ đa số đều được cơi nới tối đa để có thể chứa nhiều xe nhất. Trong khi, công tác bảo đảm an toàn PCCC chưa được chú trọng, nguy cơ cháy, nổ luôn hiện hữu.

 Đại tá Trần văn Vụ.
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội về vấn đề này.
Các hầm, nhà gửi xe cơi nới tại nhiều tập thể cũ là nơi có nguy cơ sụp đổ, xảy ra cháy nổ cao nhất. Ông có thể phân tích sâu hơn về thực trạng này?

- Thực tế, các khu tập thể cũ không được thiết kế khu vực để xe. Thế nhưng, cùng với tốc độ đô thị hóa, nhu cầu để xe của người dân tại các tòa nhà ngày càng nhiều. Vì vậy, một số người dân sinh sống tại tầng 1 đã cơi nới hoặc tận dụng diện tích phần chân đế bố trí làm khu vực trông giữ xe. Trong khi, các tòa nhà tập thể cũ đều đã giao quyền sử dụng cho người dân sinh sống tòa nhà, không có đơn vị chủ quản, nên rất khó khăn trong công tác quản lý cũng như yêu cầu thực hiện các quy định về PCCC.
Giả định trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ tại các khu tập thể cũ này, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội gặp khó khăn gì trong việc ứng cứu, thưa ông?

- Phần lớn các tuyến phố xung quanh khu nhà tập thể đều nhỏ, ngắn, hình ô bàn cờ, vỉa hè lòng đường chật hẹp, mật độ tham gia giao thông cao, thường xuyên ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm, nên xe chữa cháy cũng khó tiếp cận. Do theo thiết kế từ lâu, nên cầu thang thoát nạn vừa bé lại tối, công tác triển khai lực lượng phương tiện chữa cháy gặp không ít khó khăn. Đường sá vào các khu tập thể cũ cũng rất nhỏ, chật hẹp, các hộ dân đua nhau lấn chiếm khoảng không chung nên khi xảy ra sự cố, lực lượng chữa cháy vô cùng khó khăn khi tiếp cận hiện trường, tập kết các thiết bị chuyên dụng chữa cháy vào hiện trường để dập tắt đám cháy... Giả định nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra, lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ rất khó có thể tiếp cận cứu người khi cửa sổ, ban công đã bị bịt kín và chỉ còn một lối thoát hiểm duy nhất bằng cầu thang bộ xuống tầng 1.

Vậy giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng “bà hỏa” núp dưới hầm, nhà trông giữ xe tập thể cũ là gì, thưa ông?

- Đối với những trường hợp này, Cảnh sát PCCC TP đã chỉ đạo các Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền sở tại ban hành kế hoạch kiểm tra các điểm kinh doanh trông giữ phương tiện đối với các cá nhân, DN trên địa bàn. Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cũng đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội triển khai Kế hoạch số 209/KH-UBND ngày 18/9/2017 về việc kiểm tra, rà soát công tác PCCC đối với nhà ở hộ gia đình; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho hàng xen kẽ trong khu dân cư.

Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác PCCC tại các điểm trông giữ xe, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã hướng dẫn người dân thực hiện công tác PCCC như thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về PCCC tại các tổ dân phố, khu dân cư nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của mỗi người dân trong công tác PCCC. Quan trọng hơn cả là nhận thức và ý thức PCCC của người dân. Chỉ cần mỗi người có ý thức, trách nhiệm thì không chỉ tránh được những thiệt hại đáng tiếc cho gia đình mà cả với người dân xung quanh. Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và các biện pháp ngăn cháy, nhắc nhở các hộ dân đảm bảo các điều kiện an toàn trên lối thoát nạn, trang bị đầy đủ phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn. Đảm bảo nguồn nước phục vụ chữa cháy, chuẩn bị sẵn các tình huống để ứng phó khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần