Nâng cấp đường băng Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất: Cần có phương án dự phòng trường hợp bất ngờ

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự cố máy bay trượt khỏi đường băng ở Sân bay Tân Sơn Nhất hôm 14/6 đã chỉ ra một vấn đề quan trọng trong dự án nâng cấp đường băng 2 sân bay lớn nhất cả nước.

Một sự cố, cả ngành tê liệt
Theo Quyết định số 644/QĐ-TTg ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao bố trí 828 tỷ đồng cho 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Đến ngày 22/5/2020, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Nội Bài do Ban QLDA Thăng Long trình duyệt và quyết định phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Tân Sơn Nhất do Tổng Công ty Cửu Long trình duyệt. Ông Nguyễn Duy Lâm - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết dự án sẽ khởi công vào cuối tháng 6/2020.
 Thi công đường băng tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Đình Quang
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường băng là đường băng 25R/07L có chiều dài 3.048m, rộng 45m và đường băng 07R/25L dài 3.800m, rộng 45m. Riêng đường băng 25R/07L, trong 3 năm qua, các đơn vị chuyên môn đã cảnh báo xuất hiện các vết nứt, sụt, lún gây tình trạng đọng nước khi trời mưa, bê tông nhựa bị rạn nứt, không bảo đảm chịu lực. Để phục vụ công tác khảo sát để cải tạo, nâng cấp đường bay tại Sân bay Tân Sơn Nhất, vừa qua đường băng 25R/07L đã tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, ngày 14/6, tại Sân bay Tân Sơn Nhất đã xảy ra sự cố máy bay bay từ Sân bay Phú Quốc khi hạ cánh tại đây đã trượt khỏi đường băng và đáp thẳng vào bãi cỏ. Nguyên nhân được xác định do điều kiện thời tiết tại sân bay không thuận lợi.
Dù không gây ra thiệt hại đáng tiếc nào về người, tuy nhiên sự cố trên đã chỉ ra vấn đề lớn trong phương án đảm bảo bay khi đóng cửa một đường băng ở Sân bay Tân Sơn Nhất để nâng cấp, sửa chữa. Sự cố này đã khiến sân bay phải tạm thời đóng cửa các đường băng để phục vụ công tác đưa tàu bay ra khỏi vị trí sự cố.
Các chuyến bay theo kế hoạch đi/đến sân bay này phải tạm hoãn. Không những thế, hàng loạt chuyến bay tới sân bay này do đã cất cánh được điều chỉnh hướng hạ cánh về các sân bay dự bị như Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Mê Thuột, Nha Trang… Điều này khiến các sân bay dự bị cũng bị quá tải vị trí dừng đỗ, buộc phải dừng tiếp nhận các chuyến bay tới. Hàng trăm chuyến bay của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO cũng phải thay đổi giờ khai thác và chuyển hướng hạ cánh đến sân bay khác vì sự cố nêu trên.
Xem lại phương án bay khi sửa chữa đường băng
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không cho rằng, từ sự cố máy bay trượt khỏi đường băng ở Sân bay Tân Sơn Nhất khiến hàng loạt chuyến bay ở nhiều sân bay khác bị ảnh hưởng có thể thấy rõ công tác dự phòng bay trong thời gian thực hiện dự án nâng cấp đường băng Sân bay Tân Sơn Nhất có vấn đề.
“Theo tôi được biết dự án này chưa chính thức khởi công nhưng ngay khi đóng cửa một đường băng mà đường băng còn lại xuất hiện sự cố đã bộc lộ hết những bất cập. Nếu không sớm có phương án giải quyết sẽ gây ra những hệ quả khó lường” – ông Nguyễn Thiện Tống nhận định.
Đường băng Sân bay quốc tế Nội Bài bị hằn lún. Ảnh: Lê Thanh
Ông Tống đặt câu hỏi: “Tại sao ngay khi đường băng vừa mới xuất hiện hư hỏng chúng ta không có phương án sửa chữa luôn mà phải để đến khi hư hỏng trầm trọng như thế này?”. Về việc lựa chọn khởi công dự án sửa chữa đường băng 2 sân bay vào thời điểm này, ông Nguyễn Thiện Tống đánh giá cũng là không phù hợp.
Bởi các hãng hàng không vừa trải qua đại dịch Covid-19 và bị tàn phá nặng nề. Đây là thời điểm cần khôi phục sản xuất, tăng công suất các chuyến bay để sớm vực dậy sau cuộc đại khủng hoảng. Còn về phía người dân, đây là dịp mùa Hè, họ cũng vừa trải qua kỳ đại dịch Covid-19, giờ là thời điểm cần đi du lịch, nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng và tinh thần làm việc.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản GTVT khẳng định, giai đoạn vàng để thực hiện dự án sửa chữa đường băng Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất chính là khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2020.
“Không chỉ hàng không mà các lĩnh vực vận tải khác như đường bộ, đường sắt... đều nên tận dụng giai đoạn này để tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng hạ tầng” – ông Thủy nói. Đồng thời cho rằng, vào thời điểm hiện tại, khi đại dịch đã tạm thời qua đi, chúng ta đang thực hiện khôi phục sản xuất thì việc thực hiện nâng cấp, sửa chữa hạ tầng giao thông, trong đó có đường băng 2 Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ gặp nhiều khó khăn do tần suất các chuyến bay đã được khôi phục gần như cũ.

"Việc khởi công sửa chữa đường băng của 2 sân bay lớn nhất nước lúc này là không hợp lý. Tại sao không sửa đường băng từ tháng 3 tháng 4 khi hàng không đang đình trệ vì Covid-19? Nếu sửa từ lúc đó thì nhất cử lưỡng tiện." - Chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần