Nâng chất lượng chuỗi liên kết chăn nuôi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, ngành chăn nuôi Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển theo chuỗi liên kết, nhằm hướng đến sản xuất hàng hóa giá trị cao, giúp người nông dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng của các chuỗi chưa cao, còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ.

Nhiều hộ dân nuôi gia cầm đạt hiệu quả kinh tế cao tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Trần Dũng
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Công ty CP Tiên Viên là một trong những DN thực hiện chuỗi chăn nuôi điển hình của Hà Nội. Hiện nay, quy mô chăn nuôi tại công ty là 72.300 con gà. Ngoài ra, công ty còn ký kết hợp đồng chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm với 30 trang trại vệ tinh trên địa bàn huyện Chương Mỹ với khoảng 120.000 gà đẻ thương phẩm. Các sản phẩm của chuỗi đều đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm với đầy đủ bao bì, nhãn mác nhận diện và truy xuất được nguồn gốc theo quy định. Giám đốc Công ty CP Tiên Viên Đặng Đình Tiên cho biết: Chăn nuôi theo chuỗi đã giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua việc chuẩn hóa quy trình chăn nuôi và sử dụng chung các dịch vụ đầu vào. Tuy nhiên, ông Tiên cũng thừa nhận, hiện nay chuỗi sản xuất của công ty hoạt động còn lỏng lẻo, chưa hoàn chỉnh. Thêm vào đó, công ty chưa xây dựng được nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại do các vấn đề về cấp phép xây dựng nên chưa đáp ứng được các đơn hàng giết mổ lớn.

Tương tự, tại Hợp tác xã (HTX) Hoàng Long (Tân Ước, Thanh Oai) hiện có khoảng 5.000 lợn thịt, sản xuất thường xuyên 13 sản phẩm chế biến mang nhãn hiệu A - Z như giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, nem chua... với đầy đủ giấy chứng nhận về sản phẩm cũng như tem nhãn nhận diện. Chuỗi đang phân phối qua 5 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại các quận, 30 bếp ăn tập thể tại trường mầm non trên địa bàn huyện Thanh Oai và một số chuỗi siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, theo Giám đốc HTX Hoàng Long Nguyễn Trọng Long, hiện khâu tiêu thụ của chuỗi vẫn còn nhiều khó khăn, bởi tư duy sử dụng thịt mát, thịt cấp đông vẫn còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng Việt. Trong khi đó, các chế tài xử phạt của Nhà nước đối với các cơ sở giết mổ chế biến không bảo đảm an toàn vẫn chưa đủ sức răn đe, khiến các sản phẩm bảo đảm an toàn, truy xuất nguồn gốc phải cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường.

Chuẩn hóa các khâu

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, hiện nay một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển chuỗi, dẫn đến sản phẩm nông sản sản xuất ra không có nhãn mác, thương hiệu, không tiêu thụ được tại các kênh phân phối lớn. Kết quả các chuỗi và số lượng sản phẩm chăn nuôi được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội còn chưa đồng đều giữa các địa phương do việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất ở một số nơi còn lỏng lẻo.

Trong buổi kiểm tra một số chuỗi chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, các chuỗi đã khẳng định và phát huy được hiệu quả. Hà Nội đã xây dựng được nhiều chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, có 3 vấn đề mà ngành nông nghiệp Thủ đô cần tập trung tháo gỡ để nâng cao chất lượng, xây dựng được chuỗi khép kín bảo đảm an toàn. Thứ nhất, các trang trại, HTX cần chuẩn hóa từ đầu vào tới đầu ra. Thứ hai, cần quan tâm đến việc dán tem nhãn, chỉ dẫn địa lý của sản phẩm. Thứ ba, kết nối với các tập đoàn bán lẻ và DN lớn cung cấp đầu vào và đầu ra. Chính những DN này bảo đảm chất lượng nông sản, định hướng cho HTX, người dân sản xuất theo chuỗi khép kín.
Để tiếp tục phát huy những thành quả của Chương trình phối hợp phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho TP giai đoạn 2015 – 2020 và đáp ứng yêu cầu của hội nhập, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất tiếp tục triển khai Chương trình trong giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ