Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng chất lượng đào tạo để giảm tai nạn giao thông

Huỳnh Hương Giang - Chuyên viên Ủy ban ATGT Quốc gia
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đào tạo lái xe là một hoạt động giáo dục nghề nghiệp, song tại nhiều nơi, nhiều thời điểm, công tác sát hạch lái xe còn nặng hình thức, mang tính đối phó.

Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông (TNGT) thời gian qua.
Học chỉ để thi

Trước tiên phải khẳng định, thời gian qua, công tác đào tạo sát hạch lái xe là nhiệm vụ được các cơ quan chức năng quan tâm đặc biệt nhằm giảm thiểu TNGT. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, những kiến thức mà lái xe tiếp nhận tại các cơ sở giáo dục chỉ giúp họ có tấm bằng chứ chưa thể giúp họ có đủ kỹ năng bảo vệ bản thân và xã hội.

Thi tay lái tại Trung tâm sát hạch lái xe Việt Thanh. Ảnh: Hải Linh

Vụ tai nạn trên QL9, đoạn qua thị xã Đông Hà, Quảng Trị ngày 28/7 vừa qua là một ví dụ điển hình. Tại thời điểm đó, xe máy BKS 74F2 - 4935 gồm 2 người chở nhau đi theo hướng Cam Lộ về Ðông Hà, đến nút QL9 - Trần Hưng Ðạo bị xe ben BKS 74K - 6920 đâm phải. Hậu quả, người ngồi sau xe máy chết trên đường đi cấp cứu. Đáng nói là tại thời điểm gây tai nạn, lái xe ben mới được cấp bằng lái chưa đầy một tháng. Trước đó, ngày 22/7, trên đường Hà Huy Giáp, quận 12, TP Hồ Chí Minh cũng xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân xuất phát từ ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện. Cụ thể, xe ô tô BKS 61A-38807 đã lấn sang phần đường ngược lại, đâm trực diện 3 xe máy đi cùng chiều khiến 2 người chết và nhiều người bị thương.

Theo các chuyên gia, xảy ra tình trạng trên có một phần trách nhiệm không nhỏ của các cơ sở đào tạo lái xe. Bởi với giáo dục nghề nghiệp, mục tiêu của chương trình đào tạo phải đạt chuẩn đầu ra với những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm nghề nghiệp. Chuẩn đầu ra phải được cam kết với người học và xã hội, được công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện. Tuy nhiên, đây lại chính là nội dung mà chương trình đào tạo lái xe ô tô đang thiếu. Và khi không có mục tiêu thì toàn bộ tiến trình dạy học sẽ chỉ tập trung cho việc học để thi, để có giấy phép lái xe.

"Cầu người chi bằng cầu mình"

Để khắc phục tình trạng này, theo Ths. Nguyễn Xuân Trung – trường Cao đẳng Giao thông Huế, các chương trình đào tạo sát hạch lái xe phải được thiết kế theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện với đầy đủ mục tiêu và chuẩn đầu ra; Bổ sung quy định bậc thợ 2/4 vào tiêu chuẩn nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cho cả lái xe ô tô và những nghề có 4 bậc khác. Cùng với đó, các đơn vị chức năng cần sửa đổi quy định trình độ chuyên môn của giáo viên dạy lái xe ô tô, giáo viên có chuyên môn ngành. Ngoài ra, giáo trình, đề kiểm tra và đặc biệt với đề sát hạch lý thuyết lái xe ô tô cũng cần thay đổi theo chương trình đào tạo mới.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, nếu chỉ trông chờ việc nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch lái xe để giảm thiểu TNGT sẽ chưa đủ, quan trọng là ý thức của người tham gia giao thông. Bởi hiện nay, dân số Việt Nam xấp xỉ 95 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới. Mật độ dân số tập trung bất thường ở những đô thị lớn, gây nên tình trạng quá tải, ùn tắc cục bộ, gây rối loạn giao thông. Đây là thách thức lớn nhất trong việc quản lý giao thông và quy hoạch đô thị. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người dân có thói quen thiếu tôn trọng, nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông. Họ chưa nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, chưa có thói quen bảo vệ mình và người khác… cho dù đã hiểu và nắm rõ luật giao thông nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Do đó, điều quan trọng nhất là mỗi người tham gia giao thông phải nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông. Bởi dù các biện pháp có được thực hiện đồng bộ, đầy đủ đến đâu mà văn hóa giao thông chưa thực sự lan tỏa thì mọi nỗ lực cũng sẽ như... muối bỏ bể.