Nâng chất lượng đầu vào sư phạm: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới đào tạo

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất lượng đào tạo giáo viên "nóng" không chỉ ở hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017 khối đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) mà đang là mối quan tâm của toàn xã hội.

Sẽ có điểm sàn riêng
Trước thực trạng nhiều trường sư phạm và trường đa ngành đào tạo giáo viên quy định mức điểm nhận hồ sơ chỉ 15,5. Thậm chí đầu vào ngành các trường CĐ chỉ 9 điểm 3 môn. Ông Tưởng Phi Ngọ - Phó Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, trừ 3 trường ĐH sư phạm truyền thống ở 3 TP lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh), điểm đầu vào mà các trường sư phạm khác đưa ra không thể đào tạo giáo viên đạt chuẩn.  “Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, chúng ta có chương trình quy mô và hoành tráng. Để vận hành chương trình này, cần có những giáo viên giỏi. Trong số những giáo viên đang làm nghề trước đây có điểm vào sư phạm cao, chỉ một ít đáp ứng được yêu cầu đổi mới, còn phải đào tạo lại. Vì thế, sinh viên có đầu vào 9 điểm, việc tiếp thu kiến thức đã khó, làm sao có thể phát triển năng lực cho người học" - ông Ngọ phân tích.

Sinh viên ngành sư phạm, Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng

Phản hồi về điểm vào sư phạm thấp, ông Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Các trường sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế mặc dù công bố điểm 15,5, nhưng thống kê của chúng tôi không phải vậy. ĐH Thái Nguyên chỉ có khoảng 0,7% chỉ tiêu sư phạm lấy ngang sàn; các ngành sư phạm thuộc ĐH Vinh có 44 thí sinh dưới 18 điểm; ngành sư phạm của ĐH Huế cỡ 0,8%, còn lại điểm trúng tuyển trên 20. Điều đáng chú ý là các ĐH địa phương và CĐ lấy điểm đầu vào thấp khiến xã hội lo lắng”.  Nhiều chuyên gia đồng quan điểm, điểm đầu vào sư phạm 18 không thể đào tạo giáo viên đạt chuẩn. Vì thế, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Lương Thế Vinh Văn Như Cương đề nghị điểm đầu vào sư phạm cần cao hơn một bậc so với các ngành đào tạo khác. Cụ thể, điểm trúng tuyển phải đạt tối thiểu 21 điểm 3 môn mới ở mức trung bình. Với những trường ít thí sinh đăng ký, lấy điểm trúng tuyển đến 20 là dừng. Các trường đã tuyển với điểm đầu vào thấp, ông Minh đề nghị thực hiện giải pháp phải "chịu đau" để sàng lọc. Theo đó, các trường đào tạo theo đúng nghĩa hình chóp, đầu vào nhiều, ra ít để thế hệ giáo viên tương lai có chất lượng.
Tại buổi làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo giáo viên trong cả nước chiều16/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ  năm 2018 Bộ sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường ĐH, CĐ sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.
Đóng cửa trường không tuyển được sinh viên
Trước báo động về đầu vào sư phạm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo các trường sư phạm tính toán quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm được ưu tiên làm ngay. Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, hiện chỉ tiêu tuyển sinh khối sư phạm siết chặt hơn các trường khác, không chỉ căn cứ vào nhân lực mà còn vào nhu cầu. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm đều giảm 15 – 20% chỉ tiêu sư phạm trong toàn hệ thống. “Chúng tôi xây dựng riêng chuẩn của các trường sư phạm, trên cơ sở đó sẽ rà soát lại hệ thống, trường nào đạt chuẩn thì tiếp tục đầu tư. Trường nào chưa đạt chuẩn, điểm đầu vào thấp, không có người đến học sẽ phải đóng cửa” – bà Phụng nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia đề nghị sáp nhập các trường sư phạm, thay vì tỉnh nào cũng mở tràn lan như hiện nay. Giáo viên ở các trường bị giải thể có đủ năng lực thì điều chuyển về cơ sở sư phạm khác. “Siết chặt chỉ tiêu là cần thiết, nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu. Vấn đề cốt tử là quy hoạch lại mạng lưới đào tạo sư phạm và quy chuẩn về đội ngũ” – ông Minh bày tỏ. Trong khi đó, Hiệu trưởng ĐH Đà Lạt Nguyễn Đức Hòa đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng khi mở ra các trường sư phạm cũng như khoa đào tạo giáo viên trong trường.
Trước thực tế thừa giáo viên, nhiều chuyên gia đề nghị các trường không nhất thiết phải tuyển đủ 100% chỉ tiêu. Thay vì đào tạo mới, các trường sư phạm tập trung nâng cao trình độ, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện tại để thực hiện đổi mới giáo dục. Tất nhiên, Bộ GD&ĐT nên thay đổi cơ chế cấp ngân sách dựa trên đầu sinh viên sư phạm, song điều quan trọng là đừng dập tắt khát vọng chính đáng của giáo sinh. Trong đó, vấn đề việc làm, chế độ, chính sách, thu nhập, áp lực công việc và nhìn nhận về nghề giáo là nút thắt cần giải quyết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần