Nâng chất lượng nhân lực theo hướng “rõ người, rõ việc”

Ngọc An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra, trong đó coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, kỹ năng xử lý công việc, tác phong công tác, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của CBCCVC.

Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2017 vừa được HĐND TP phê duyệt.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Kim Giang, quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng

Chất lượng CBCCVC chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu công việc, nên quá trình thực thi công vụ, một số CBCCVC chưa làm hết trách nhiệm, chểnh mảng. Vấn đề nổi cộm này đã được phát hiện từ đợt giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP về tổng biên chế hành chính TP Hà Nội năm 2016. Thực tế cho thấy, tình trạng lao động hợp đồng nhưng thực hiện nhiệm vụ công chức tại một số đơn vị hành chính do tồn tại của lịch sử (Sở NN&PTNT, Sở VH-TT, Thanh tra xây dựng, Thanh tra Giao thông...) chậm được khắc phục, dẫn đến sự bất hợp lý trong quản lý, sử dụng, áp dụng chế độ, chính sách đối với cán bộ. Bên cạnh đó, năm 2016, số lao động hợp đồng hành chính tăng 14%, lao động hợp đồng đơn vị sự nghiệp tăng 40%. Điều này cho thấy, việc giảm ở chỗ này lại là phình ở chỗ khác. Vì thế, tại kỳ họp HĐND TP vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, TP cần có dự án về chiến lược tuyển dụng và trọng dụng nhân tài; xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên sâu. Ngoài đào tạo ngoại ngữ, chuyên môn, cũng cần tăng cường chấn chỉnh về thái độ phục vụ của CBCCVC khi giao dịch với DN và người dân.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho biết: Thực tế chưa có tiêu chí định lượng trong việc đánh giá CBCCVC. Thời gian qua, việc tinh giản biên chế của các đơn vị hành chính của TP mới chủ yếu đối tượng nghỉ hưu, chưa phải qua công tác đánh giá CBCCVC. Vấn đề tinh giản, cần qua sàng lọc cán bộ có đáp ứng được nhiệm vụ hay không; khi không đáp ứng, cơ quan Nhà nước bố trí cho đi đào tạo, bồi dưỡng mà vẫn không làm được việc thì cần phải xem xét, cho nghỉ việc để tuyển dụng người mới.
Thực tế, muốn đánh giá năng lực cán bộ, cần phải triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm theo chức năng, nhiệm vụ, vị trí công việc được giao. Nhưng vấn đề này nhiều đơn vị cả sở, ngành và quận, huyện của TP vẫn còn chưa xong hoàn thiện, có nơi còn lúng túng, mô tả công việc còn chưa đảm bảo. Chính việc chưa xác định rõ vị trí, việc làm, sát hạch cán bộ, nên một số quận, huyện, nhiều việc vẫn tự ký hợp đồng lao động thực hiện công tác chuyên môn.
Theo kế hoạch, năm 2017, TP Hà Nội tinh giản 1,5% biên chế, số giảm được phân bổ cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ công việc được giao. Theo ban Pháp chế HĐND TP, để thực hiện được, quan điểm là phải sử dụng đúng số biên chế được giao, có dự phòng cho các đơn vị mới thành lập hoặc tăng thêm nhiệm vụ để không làm tăng tổng số biên chế của TP; đồng thời tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả.
Cùng với đó, quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hành chính đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới với phương châm “rõ người, rõ việc”, UBND TP cũng đã giao cho Sở Nội vụ xây dựng Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TP giai đoạn 2016 - 2020”. Trong đó, tập trung các nhóm đối tượng chính: CBCC lãnh đạo, quản lý, tham mưu hoạch định chính sách; công chức mới được tuyển dụng; nguồn trưởng công an xã và chỉ huy trưởng quân sự cấp xã; viên chức y tế; viên chức giáo dục, đào tạo; viên chức văn hóa nghệ thuật; viên chức khoa học, công nghệ; các nhà quản lý DN, doanh nhân trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.