Nâng chất lượng sát hạch lái xe để hạn chế tai nạn

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi khi xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng do lái xe đạp nhầm chân phanh thành chân ga, được các phương tiện thông tin đại chúng vẫn gọi là "xe điên", thì hầu hết mọi người cho rằng công tác đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) có vấn đề; hoặc do các bài thi sát hạch chưa đủ độ khó; lái xe mua bằng...

Do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX được xem là điều kiện tiên quyết để hạn chế TNGT.

Thêm áp lực là điều tất yếu

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, từ ngày 1/4/2016, Bộ GTVT đã áp dụng bài thi sát hạch lái xe hạng B bổ sung thêm bài thi số 11 - ghép xe ngang, để phù hợp với tình hình giao thông tại các đô thị lớn; chấm điểm tự động bài thi lái xe đường trường... Khi áp dụng bài thi mới, tỷ lệ học viên đỗ sát hạch có chiều hướng giảm nhẹ. Dẫu vậy, cả cơ quan chức năng lẫn thí sinh dự thi đều tỏ ra ủng hộ việc tăng độ khó trong kỳ thi sát hạch. Vụ trưởng Quản lý Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Thắng Quân nhận định: “Việc chấm điểm thông qua chip gắn tự động trên xe tất nhiên sẽ tạo thêm áp lực cho học viên. Bởi theo lập trình, thí sinh chỉ cần vi phạm bất kỳ một lỗi nào, dù nhỏ, hệ thống sẽ tự động trừ điểm. Bài thi mới “ghép xe ngang” được thêm vào, do yêu cầu thực tế khi lưu thông trong đô thị, đã gây khó khăn cho nhiều học viên. Tỷ lệ không hoàn thành phần thi này khoảng 25%” - ông Quân cho biết.
Thi sát hạch lái xe tại một trung tâm ở huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quỳnh Anh
Thi sát hạch lái xe tại một trung tâm ở huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quỳnh Anh
Theo báo cáo tổng hợp, tính chung tỷ lệ thí sinh trượt sát hạch giấy phép lái xe cả lý thuyết và thực hành ở các trung tâm hiện nay khoảng 40%, trong khi trước đây chỉ 20 - 30%. Nhiều giảng viên đào tạo lái xe và thí sinh đều cho rằng, hình thức thi mới đã đảm bảo tăng được tính công khai, minh bạch, và khách quan trong quá trình sát hạch ô tô, hạn chế tối đa hành vi tiêu cực.

Giám đốc Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (tỉnh Bắc Ninh) Trần Văn Toản cho biết: “Trước đây, người thi chỉ cần lái được vài ba trăm mét trên đường trường là có thể giáo viên cho đậu. Từ ngày 1/4, người thi phải đi đủ 2km trên đường, được thiết bị chấm tự động qua 4 bài thi xuất phát, tăng, giảm số và kết thúc. Trong quá trình thi có tối đa 15 lỗi, mỗi lỗi sẽ bị trừ 5 - 10 điểm”. Ông Trần Văn Toản thông tin thêm, tỷ lệ thí sinh trượt bài thi sát hạch đường trường tại trung tâm này khoảng 30 - 40%, tăng 10% so với trước đây. Theo ông Toản, thí sinh thi trượt thường do tập lái qua loa và chủ quan, có những lỗi không phải do không biết lái xe mà là kỹ năng điều khiển chưa tinh thục và thiếu nghiêm túc. Tương tự, Trưởng Phòng quản lý phương tiện giao thông, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Đình Nghĩa nhận xét, từ ngày áp dụng luật thi mới, tỷ lệ học viên đỗ sát hạch lái xe đã giảm nhẹ, khoảng 5%. Trước kia, tỷ lệ đỗ sát hạch trên địa bàn Hà Nội vào khoảng 60 - 65%, nhưng hiện còn khoảng 55 - 60%.

Khắt khe mới có thực chất

Cũng theo ông Nguyễn Đình Nghĩa, mặc dù bài thi sát hạch khó hơn, tỷ lệ đỗ sát hạch giảm nhưng học viên được tăng giờ thực hành, đào tạo kỹ càng, bài bản hơn. “Đào tạo, sát hạch càng khắt khe, người lái xe khi học - thi xong sẽ càng có thực chất, tay lái vững vàng, chuẩn chỉnh hơn. Đến thời điểm này chúng tôi chưa ghi nhận ý kiến phàn nàn nào của học viên về cách thức thi mới” - ông Nghĩa nói. Học viên Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội) bày tỏ: “Đợt thi sát hạch vào đầu tháng 8 vừa qua, tôi bị trượt, chỉ được 75 điểm. Đây là lỗi chủ quan của cá nhân tôi, vì ít lưu tâm đến thực hành nên khi vào thi tôi khá lúng túng. Mặc dù bài thi sát hạch khó hơn nhưng tôi thấy như vậy là hợp lý, bởi lái xe đòi hỏi phải khắt khe trong đào tạo, cấp bằng nếu không sẽ gây ra thảm họa cho xã hội”.

Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề - Công ty CP Vận tải ô tô số 2 Lê Văn Đại cho biết, bởi bài thi sát hạch khó hơn so với trước kia nên tỷ lệ đỗ sát hạch tại Trung tâm đã giảm nhẹ sau khi áp dụng bài thi sát hạch mới, mức giảm từ 5 - 8%. Theo ông Lê Văn Đại, dù toàn bộ phần thi sát hạch đã tăng lên thành 18 phút, nhiều hơn trước kia 3 phút, nhưng học viên phải thi thêm bài số 11: ghép xe ngang tương đối khó, nên tỷ lệ đỗ sát hạch tại Trung tâm hiện chỉ khoảng 60 - 68%, trong khi thời điểm trước là 70 - 73%. Ông Lê Văn Đại cũng chia sẻ: “Người lái xe mỗi khi ngồi ôm vô lăng, mỗi  sai lầm đều có thể gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng của mình và nhiều người khác. Do đó, hầu như mọi học viên đều nhận thức được việc học và thi lái xe cần phải ngày càng chuẩn mực, nghiêm túc”. Một lái xe lâu năm, anh Trần Tuấn Chỉnh (Thanh Oai) cho rằng: “Việc tăng độ khó trong sát hạch lái xe là đáng mừng. Tuy nhiên vẫn cần thêm các biện pháp giám sát chặt quá trình học, thực hành, thi để đảm bảo tấm bằng không chỉ là sản phẩm của một giai đoạn “chạy chọt”, mà thực sự là thành quả dạy - học của cả giảng viên lẫn học viên”.